Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Phát triển Giáo dục mầm non ở khu công nghiệp và vùng nông thôn:
Tiến tới giảm dần các nhóm, lớp không đủ “chuẩn”
Thứ sáu: 07:21 ngày 16/09/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Mục tiêu tổng quát là đến năm 2020 tăng tỷ lệ trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tăng trường mầm non ngoài công lập, giảm số lượng nhóm, lớp mầm non ngoài công lập; xây dựng mới trường mầm non tại các xã nông thôn có tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp.

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 (kỳ họp bất thường) của HĐND tỉnh khoá IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 dự kiến sẽ khai mạc trong ít ngày tới, chiều 13.9, Ban Văn hoá - Xã hội - HĐND tỉnh (Ban VHXH) tổ chức hội nghị thẩm tra tờ trình của UBND tỉnh về “đối tượng, chế độ, định mức hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại các vùng nông thôn khó khăn và các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 – 2020”. Diễn biến tại hội nghị cho thấy còn khá nhiều ý kiến thắc mắc, dẫn tới kết quả: Tờ trình chưa thể đặt lên bàn nghị sự của kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.

Giám đốc Sở GD-ĐT Mai Thị Lệ phát biểu tại buổi làm việc.

Mở đầu buổi làm việc, bà Mai Thị Lệ- Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo (Sở GD-ĐT) cho biết, hiện nay Bộ GD-ĐT chưa kiểm tra để công nhận Tây Ninh đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non vì tỷ lệ huy động trẻ ra lớp còn thấp, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Nếu Tây Ninh thực hiện được hai đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu kinh tế” và “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn khó khăn” thì Bộ mới có cơ sở để kiểm tra, công nhận Tây Ninh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non. Hiện tại, ở khu vực nông thôn của tỉnh còn đang thiếu trường mầm non nên tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp.

Nhiều ý kiến băn khoăn

 Xung quanh các chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non được nêu trong các đề án nói trên, vị lãnh đạo Sở Tài chính cho rằng, trước khi thực hiện, Sở GD-ĐT nên có văn bản tham vấn ý kiến của các bộ, ngành ở Trung ương, trong đó có Bộ GD-ĐT. Còn theo ông Phan Văn Sử- Giám đốc Sở Nội vụ thì cơ quan chủ trì xây dựng đề án cần xem lại một số vấn đề liên quan đến chế độ chính sách ở vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vì hiện các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề này còn có những điều chưa rõ ràng. Ông Sử cũng đề nghị tách riêng hai phần trong đề án là xây dựng cơ sở vật chất và chế độ chính sách, con người để dễ thực hiện và nên tiến hành xây dựng cơ sở vật chất trước, sau đó mới xây dựng bộ máy để đi vào vận hành luôn.

Có mặt tại hội nghị, ông Trần Văn Sỹ- Phó Giám đốc Sở Y tế bày tỏ sự ủng hộ đối với ngành giáo dục: “Chủ trương phát triển giáo dục mầm non ở vùng nông thôn và khu công nghiệp là đúng đắn, cần thiết”. Bàn về chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, có đại biểu đặt câu hỏi: nếu chỉ hỗ trợ giáo viên mầm non trong 3 năm, sau đó không duy trì chế độ hỗ trợ nữa thì liệu giáo viên mầm non có tiếp tục dạy học ở trường nữa hay không?

Bà Kim Thị Hạnh- Phó trưởng Ban VHXH cũng nêu băn khoăn: tiêu chí nào để xác định đối tượng, nhóm đối tượng cần hỗ trợ? Trong cùng một xã, trong khi những giáo viên đang công tác tại trường mầm non thuộc đề án thì được hưởng chế độ hỗ trợ, còn giáo viên trường khác thì không, như vậy liệu có hợp lý?

Ông Mai Văn Hải- Chánh Văn phòng HĐND tỉnh đề nghị cơ quan xây dựng đề án cần bổ sung một số nội dung quan trọng liên quan đến chính sách. Trong đó, cần làm rõ: ngoài giáo viên còn có nhóm đối tượng nào khác (như nhân viên, cán bộ quản lý) được hưởng chế độ này hay không? Ông Hải cho rằng, Sở GD-ĐT cần có một tờ trình riêng về chính sách, còn việc thông qua đề án thì đã được cơ quan thẩm quyền đồng ý. Ông đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT chuẩn bị bản báo cáo giải trình để HĐND tỉnh xem xét, có căn cứ thông qua đề án.

Ông Phạm Văn Đặng- Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu đồng tình với ý kiến nên tách riêng nội dung đề án và nội dung chính sách. Ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, ngành Giáo dục cần rà soát lại trường lớp dành cho mầm non, nếu xã nào đang khó khăn về cơ sở vật chất thì cứ mạnh dạn bổ sung. Về vấn đề biên chế, theo tinh thần chung là giảm nhưng với biên chế sự nghiệp khi thành lập đơn vị mới thì vẫn có cơ chế để tuyển dụng giáo viên.

Xung quanh chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, theo ý kiến của ông Lê Quang Tuấn- Phó Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình, thành viên Ban VHXH, khó khăn của giáo viên mầm non là khó khăn chung, do vậy nếu đã hỗ trợ thì nên hỗ trợ tất cả, không chỉ riêng cho giáo viên ở các trường có trong đề án.

Trước những ý kiến khác nhau liên quan đến nội dung tờ trình, bà Mai Thị Lệ giải thích: xã nông thôn khó khăn được nêu trong đề án không phải chỉ là những xã nằm trong danh sách theo quyết định của Trung ương (như xã thuộc vùng 135 chẳng hạn) mà còn bao gồm những xã đang thiếu phòng học mầm non và khó huy động trẻ mầm non ra lớp. Hiện nay, ở một số xã, ngành giáo dục đang phải mượn phòng học của trường tiểu học để dạy các cháu học sinh mầm non.

Về chế độ hỗ trợ cho giáo viên ở các trường thuộc đề án, theo bà Lệ, ở những trường mới thành lập còn nhiều khó khăn, giáo viên cũng sẽ rất vất vả, do vậy họ được hưởng chế độ ưu đãi riêng cũng là hợp lý. Trước những ý kiến băn khoăn được nêu tại cuộc họp, vị lãnh đạo ngành Giáo dục cho biết thêm, nếu chưa đạt được sự thống nhất cao thì chưa thể đưa tờ trình ra tại kỳ họp của HĐND.

Ông Võ Văn Sớm- Trưởng Ban VHXH nhận định: đề án còn một số vấn đề chưa thật vững chắc về lý luận, kể cả về cơ sở pháp lý. Do vậy, ông đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT sớm chỉnh sửa, bổ sung để có thể trình tại kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh.

Nỗ lực huy động trẻ ra lớp

Thật ra, nội dung tờ trình được trình bày, thảo luận, góp ý trong cuộc hội nghị nói trên chỉ là một phần liên quan đến hai đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu kinh tế” và “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn khó khăn” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2015 – 2020 đã được UBND tỉnh thông qua.

Theo tinh thần của Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2015 – 2020”, sẽ xây dựng mới các trường mầm non tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Qua đó, không chỉ giúp giảm bớt nhọc nhằn cho công nhân lao động, mà còn góp phần nâng cao chất lượng toàn diện hệ thống giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo kế hoạch, giai đoạn 2015 – 2017 đề án sẽ được triển khai tại 4 huyện có các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Cụ thể: xây dựng 6 trường mầm non công lập tại các khu kinh tế, khu công nghiệp thuộc các huyện Trảng Bàng (3 trường), Gò Dầu (1 trường), Bến Cầu (1 trường) và Dương Minh Châu (1 trường) với quy mô vừa phải, đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng có dành quỹ đất cho nhu cầu kết nối mở rộng thêm quy mô sau này. Theo đề án, sẽ không xây mới trường tại cụm công nghiệp Thanh Điền (huyện Châu Thành), vì ở khu vực này đã có quy hoạch xây mới Trường mẫu giáo Thanh Điền B đạt chuẩn quốc gia (trên cơ sở tách ra từ Trường mẫu giáo Thanh Điền). Ở cụm công nghiệp Hoà Thành (huyện Hoà Thành), điều kiện trường lớp cũng đủ sức đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân (đã trình phê duyệt thành lập mới Trường mầm non Long Mỹ trên cơ sở cải tạo điểm chính Trường tiểu học Long Thành Bắc A và điểm phụ ấp Long Tân của Trường mẫu giáo Long Thành Bắc).

Học sinh mầm non xã Long Vĩnh, Châu Thành.

Giai đoạn 2018 – 2020, tuỳ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Tây Ninh sẽ tiếp tục mở rộng thực hiện đề án tại các huyện, thành phố còn lại trong tỉnh. Mục tiêu đến năm 2020 là sẽ tăng tỷ lệ trẻ mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tăng trường mầm non ngoài công lập, giảm số lượng nhóm, lớp mầm non ngoài công lập không đảm bảo điều kiện nuôi và dạy trẻ.

Ngành Giáo dục sẽ tăng cường cơ sở vật chất, xây thêm các phòng học dành cho lứa tuổi nhà trẻ, đồng thời đầu tư trang thiết bị cho các trường mẫu giáo nhận trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, từng bước chuyển đổi loại hình trường mẫu giáo sang trường mầm non. Theo tính toán, hiệu quả đầu tư mang lại của đề án khi áp dụng đồng bộ các giải pháp, đến năm 2020 tại các khu công nghiệp, khu kinh tế: tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ tăng 6,59%; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo tăng 3,57%.

Với đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn khó khăn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2015 – 2020”, mục tiêu tổng quát là đến năm 2020 tăng tỷ lệ trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tăng trường mầm non ngoài công lập, giảm số lượng nhóm, lớp mầm non ngoài công lập; xây dựng mới trường mầm non tại các xã nông thôn có tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp. Phấn đấu đến năm 2020 trên 90% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn thực hiện đề án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ; trên 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai đề án được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng.

Đề án được thực hiện qua hai giai đoạn chính. Giai đoạn 2015-2017: xây dựng 22 trường mầm non mới, sang giai đoạn 2018–2020: có thêm 18 trường nữa. Dự tính, đến năm 2020 tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ước đạt 22,9% và tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ước đạt 79,2%.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh