Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Thực hiện giảm nghèo tiếp cận đa chiều theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 lấy chỉ tiêu thu nhập là chính, cùng với việc xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin thực sự là cơ hội để Tây Ninh, cũng như các địa phương trong cả nước giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi về nhận thức thì đây lại là thách thức không nhỏ.

|
Mỗi ngày, chị Phan Thị Ngọc Thu, ngụ xã Trường Tây (huyện Hoà Thành) đan cần xé được 30.000 đồng, số tiền này dùng để trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con chị.
CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG ĐƯỢC NÂNG LÊN
Những năm qua, thực hiện chương trình giảm nghèo, nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo đã được thực hiện như Chương trình 135, Chương trình 30a của Chính phủ; chính sách ưu đãi tín dụng; chính sách mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hỗ trợ về giáo dục, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phương tiện sản xuất và nhiều hộ được hỗ trợ giống vật nuôi (heo, bò)... Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 5,25% đầu năm 2011 xuống còn 1,22% cuối năm 2015; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 3,59% đầu năm 2011 xuống còn 1,16% vào cuối năm 2015.
Theo Sở LĐ-TB&XH, trong giai đoạn 2010 – 2015, tỷ lệ giảm nghèo bình quân ước tính là 1,63%/năm, chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh uỷ và Hội đồng nhân dân tỉnh (Phấn đấu giảm 2%/năm). Trong giai đoạn này, mặc dù người dân đã nhận được sự trợ lực từ các chương trình, dự án giảm nghèo nhưng vẫn chưa thể thoát nghèo bền vững, mà chỉ chuyển sang cận nghèo, hoặc… tái nghèo sau khi thoát nghèo một thời gian ngắn. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, chỉ cần một biến cố nhỏ trong cuộc sống thì tái nghèo ngay.
Trong hai năm 2014 -2015, Tây Ninh được Trung ương đầu tư thực hiện hàng loạt chương trình, chính sách giảm nghèo, tạo động lực cho người nghèo có cơ hội, điều kiện thoát nghèo. Với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tính đến tháng 9.2015 đã giải ngân 12 tỷ 350 triệu đồng, 2.030 hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất bằng bò, dê, heo, gia cầm, máy bơm nước… Các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo đã giúp cho 159.556 lượt hộ được vay hơn 2.126 tỷ đồng; người nghèo, cận nghèo được cấp hơn 204.400 thẻ bảo hiểm y tế, tổng trị giá hơn 97 tỷ đồng; 2.828 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở… Nhờ đó, người nghèo từng bước phát triển kinh tế gia đình, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Điển hình như xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành – một trong những xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Tại địa phương này, công tác triển khai các dự án được rà soát dựa vào khả năng của từng hộ để thực hiện, đã giúp người dân từng bước nâng cao mức sống, thoát nghèo bền vững. Anh Nguyễn Văn Thuận (sinh năm 1986) cho biết: “Trước kia, thuộc diện hộ nghèo, gia đình tôi được hưởng nhiều chính sách như hỗ trợ tiền điện, cho vay tín dụng ưu đãi… Vợ chồng tôi cố gắng làm ăn, đến năm 2015 thoát nghèo.
Bây giờ, hằng ngày tôi thức dậy từ 1, 2 giờ sáng đi lấy trái cây ở chợ Long Hoa, còn vợ tôi chuẩn bị ra chợ buôn bán, ngày nào bán chạy hàng, vợ chồng tôi có thu nhập từ 200 – 300 ngàn đồng, cũng có ngày không lãi nhưng vợ chồng tôi không nản chí, chịu khó rút kinh nghiệm để làm ăn suôn sẻ hơn, có điều kiện lo cho con cái được ăn học đàng hoàng, có tương lai hơn”.
Tuy nhiên, thực tế việc triển khai chương trình giảm nghèo thời gian qua cũng bộc lộ không ít bất cập như: chính sách, dự án giảm nghèo còn đầu tư dàn trải, chưa có sự gắn kết, lồng ghép hiệu quả giữa các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội địa phương với chương trình giảm nghèo bền vững. Chẳng hạn như có địa phương nhiều hộ dân không nhận nuôi bò xoay vòng bởi lẽ không phù hợp với hoàn cảnh gia đình; có địa phương một số gia đình được nhận heo nhưng không có điều kiện làm chuồng trại, vật nuôi bị chết...
Đối với các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn, thực trạng chưa thu hút được nhiều hộ nghèo tham gia, một số loại máy móc thiết bị khó sử dụng tập thể; có địa phương việc điều hành sản xuất dự án giảm nghèo còn nhiều khó khăn do không có người tổ chức sản xuất và quản lý; kinh nghiệm sản xuất của hộ nghèo chưa cao.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung- chuyên viên kế hoạch - giao thông - thuỷ lợi, nông lâm xã Hoà Thạnh cho biết: “Chương trình 135 đã giúp đa số hộ nghèo tại xã được tiếp cận con giống, hiện trên địa bàn có 72 con bò sinh sản; đối với heo, số kinh phí thực hiện lên đến 270 triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn thường được giải ngân vào giữa năm, đúng vào đầu mùa mưa, một số vật nuôi bị bệnh, chết do chưa thích ứng được với thời tiết giao mùa”.
KHÔNG DỄ CHUYỂN TỪ “ĐƠN CHIỀU” SANG “ĐA CHIỀU”
Giai đoạn 2016-2020, với cách tiếp cận tiêu chí nghèo đa chiều, chương trình giảm nghèo bền vững đã có nhiều thay đổi. Về tiêu chí thu nhập, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng, cao hơn mức quy định cũ. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 của Bộ LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có 6.117 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,10% (tăng 2.604 hộ, tỷ lệ 0,88% so với chuẩn nghèo đơn chiều năm 2015).
Như vậy, theo tiêu chí mới, nhiều hộ nghèo từng được hỗ trợ vốn sản xuất, con giống, phương tiện sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao mức thu nhập và đã thoát nghèo, nay lại tái nghèo do chưa đạt tới tiêu chí thu nhập và các tiêu chí khác như y tế, nhà ở, giáo dục… theo quy định mới.
Ông Trần Quốc Huy, cán bộ LĐ-TB&XH xã Hoà Thạnh cho biết, việc tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều sẽ giúp hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập, nhưng lại “nghèo” về tiếp cận dịch vụ xã hội. Đồng thời, khi áp dụng chuẩn nghèo mới sẽ giảm dần các chính sách “cho không”, tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách giảm nghèo đối với người nghèo, phát huy tính tự lực, tự cường trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo, cận nghèo…
Tuy nhiên, việc chấm điểm một số tiêu chí sẽ khó áp dụng trong thực tế, chẳng hạn như việc chấm điểm chỉ số về nguồn nước sinh hoạt. Hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực thành thị có giếng đào được bảo vệ sẽ được chấm 5 điểm, còn ở khu vực nông thôn không được chấm điểm. Trên thực tế, số hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực nông thôn sử dụng giếng đào nhiều hơn so với thành thị.
|
Anh Ông Hùng Thuỷ nhận nuôi bò sinh sản xoay vòng.
Bên cạnh đó, lại có không ít hộ nghèo bỗng dưng được thoát nghèo, hoặc “được lên” hộ cận nghèo dù thực tế các hộ này vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là những hộ nghèo đang được hưởng chính sách của Nhà nước, đến khi rà soát lại tài sản, bỗng dưng thoát nghèo.
Như trường hợp gia đình anh Ông Hùng Thuỷ, ngụ xã Hoà Thạnh. Theo tiêu chí nghèo đơn chiều, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, sau khi điều tra theo phương pháp mới về các lĩnh vực như giáo dục cho người lớn, trẻ em, BHYT, nước sạch, xe máy… thì gia đình anh thoát nghèo. Anh Thuỷ cho biết, tuy vợ anh có lương 3.600.000 đồng/tháng, nhưng chị lại bị bệnh tim bẩm sinh phải sử dụng thuốc hằng ngày, còn bản thân anh phải trông nom chăm sóc hai con còn nhỏ nên không có thu nhập.
Những tài sản như điện thoại, xe gắn máy của gia đình hiện có là do cha mẹ, anh chị em tặng cho, giá trị chiếc “xe bèo” chưa đến 5 triệu đồng; còn các hạng mục như nhà vệ sinh thực tế phải sử dụng nhờ nhà cha mẹ ở gần đó. Anh Thuỷ bộc bạch: “Tôi nghĩ gia đình tôi chưa thoát nghèo được, hoạ chăng chỉ mới “lên được” đến cận nghèo. Thực tế gia đình tôi vẫn còn rất khó khăn về kinh tế”.
Nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới nhằm hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy có thu nhập nhưng lại “nghèo” về các khía cạnh khác. Theo đó, việc thay đổi phương pháp tiếp cận nghèo, xem xét đánh giá các hộ nghèo, đặc biệt là xem xét các yếu tố nhà ở, giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế, điều kiện sống thì số hộ nghèo ở Tây Ninh đã tăng đáng kể.
Vì vậy, để giảm tỷ lệ hộ nghèo như mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã đề ra, chính quyền, các đoàn thể cũng như các tổ chức xã hội cần nỗ lực phấn đấu, có sự đồng thuận cao, và đặc biệt các đối tượng nghèo phải có ý chí, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, như vậy mới có thể đạt được mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững trong tương lai.
VŨ NGUYỆT