Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Huyện Dương Minh Châu được thành lập từ năm 1951, là địa phương có bề dày truyền thống cách mạng, có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, thắng cảnh. Trung tâm huyện gần chân núi Bà Đen- điểm đến của hàng triệu lượt du khách. Đặc biệt, tại Dương Minh Châu có hồ Dầu Tiếng- một công trình thuỷ lợi lớn vào bậc nhất Đông Nam Á. Thế nhưng, hoạt động du lịch của Dương Minh Châu cho đến nay vẫn chỉ là tiềm năng chưa được đánh thức.

|
Một góc hồ Dầu Tiếng.
Từ khi đi vào hoạt động, công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng đã làm thay đổi bộ mặt của một vùng quê thuần nông. Ngoài những vùng chuyên canh cây trồng thế mạnh như lúa, đậu phộng, mía, khoai mì, cao su, mãng cầu, nhãn, chuối, ổi, hàng bông; vùng trồng rừng phòng hộ, rừng bán ngập trong lòng hồ Dầu Tiếng; từ nguồn nước các tuyến kênh tự chảy còn hình thành những vùng nuôi trồng thuỷ sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nghề đánh bắt thuỷ sản trong lòng hồ đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn người. Ở Dương Minh Châu còn có nhiều hộ làm nghề sản xuất bánh tráng, chế biến rau quả, đậu phộng, đan lát, mây tre mỹ nghệ hình thành nên những làng nghề truyền thống.
Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu có sông Sài Gòn thuận lợi cho việc kết nối giao thông đường thuỷ nội địa với huyện Trảng Bàng, với các địa phương của tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Một thế mạnh phải kể đến nữa là khu di tích lịch sử văn hoá- danh thắng và du lịch núi Bà Đen nằm sát với địa bàn huyện, ở sườn phía Đông núi có di tích Căn cứ Suối Môn (thuộc quản lý của xã Phan) và di tích Căn cứ Suối Già Nai (thuộc quản lý của xã Suối Đá). Khu di tích rừng lịch sử văn hoá tại xã Phước Ninh sát bên bờ hồ Dầu Tiếng được xây dựng khá khang trang, nằm trong khuôn viên khu rừng dầu đặc dụng “độc nhất vô nhị” của cả miền Đông.
Hệ thống giao thông trong huyện tuy chưa hoàn chỉnh nhưng khá thuận lợi, kết nối được với các huyện, thành phố trong tỉnh và huyện Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương. Giao thông đường thuỷ trong lòng hồ Dầu Tiếng cũng khá thuận tiện.
Thế nhưng, các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội ở Dương Minh Châu vẫn “tự cung, tự cấp” là chính. Hầu hết các sản phẩm từ nông nghiệp bán ra thị trường chưa có thương hiệu và chỉ ở dạng nguyên liệu hoặc mới sơ chế. Nhiều loại trái cây như mãng cầu (đã có thương hiệu chỉ dẫn địa lý), ổi, nhãn, chuối, mít… và các loại rau nổi tiếng thơm ngon lại chỉ bán ở dạng thô. Sản xuất kinh doanh chủ yếu theo mô hình gia đình nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành sự liên kết rộng rãi nên không tạo được thế mạnh về chất lượng lẫn quy mô. Hầu hết người dân chưa nghĩ đến việc kết hợp giữa sản xuất với dịch vụ và du lịch. Và điều quan trọng là chưa xuất hiện mô hình nào có sự kết hợp giữa sản xuất, kinh doanh với du lịch để người dân lấy đó làm mô hình mẫu. Các hoạt động văn hoá, lễ hội truyền thống ở địa phương còn đơn điệu, không thu hút được nhiều người tham gia…
Ngày 22.4.2016, UBND tỉnh quyết định khởi động lại dự án xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp trồng rừng trên đảo Nhím thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu. Công ty TNHH Xuân Cầu chính thức được giao quyết định đầu tư với nguồn vốn gần 300 tỷ đồng, trước mắt xây dựng 3 hạng mục gồm: khu resort nghỉ dưỡng sinh thái dưới tán cây rừng, khu vui chơi giải trí trên mặt nước và khu trồng rừng kết hợp nuôi thả các loại thú phục vụ nghiên cứu khoa học, tham quan… Ý tưởng về hệ thống cáp treo kết nối giữa núi Bà Đen với đảo Nhím cũng đã có trong quy hoạch của huyện. Theo dự kiến, dự án này sẽ được khởi động sau khi khu du lịch sinh thái đi vào hoạt động, hy vọng điều đó sẽ giúp cho du lịch Dương Minh Châu khởi sắc và cất cánh trong những năm tới.
Ông Nguyễn Văn Hợp- Bí thư Huyện uỷ Dương Minh Châu cho biết, huyện đã đề xuất thêm dự án tạo một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, câu cá giải trí từ ngã ba bờ hồ Dầu Tiếng trải dài đến khu vực rừng dầu (tiểu khu 63) gần cống số 3. Chỉ cần cải tạo bằng cách hút cát từ đáy hồ lên khu đất bán ngập ven bờ đập phụ, tạo ra một khu đất rộng khoảng 100 ha và một tiểu hồ rộng hơn 200 ha thông nước với hồ Dầu Tiếng. Trên mặt đất trồng cây gây rừng, dưới tán cây xây dựng những căn nhà nghỉ dưỡng dạng mi ni. Sẽ có bãi tắm nhân tạo nhiều tầng cấp theo mực nước hồ lên xuống. Phía ngoài (đối diện) là khu vực thả cá để phục vụ câu cá giải trí cho du khách, đây sẽ là vùng để nuôi thả bổ sung cá giống cho hồ Dầu Tiếng.
Dự án mở tuyến “đường Bời Lời nối dài” từ núi Bà Đen xuyên qua vùng trồng mãng cầu của xã Suối Đá và xã Phan, liên thông với đường bờ hồ Dầu Tiếng và một bến cảng để kết nối với khu du lịch đảo Nhím đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tỉnh cũng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng vùng chuyên canh cây mãng cầu theo chuẩn VietGAP tại xã Suối Đá kết hợp với du lịch sinh thái, tham quan, tiến tới tổ chức lễ hội Festival mãng cầu (cũng tại Suối Đá) trong vài năm tới.
Ngoài khu du lịch sinh thái cao cấp đảo Nhím với quy mô 286 ha, huyện Dương Minh Châu cũng đã có quy hoạch khu du lịch sinh thái mặt hồ xã Phước Minh rộng 64,8 ha, khu du lịch sinh thái rừng lịch sử xã Phước Ninh 50 ha, khu du lịch sinh thái Bàu Me ở xã Lộc Ninh và khu du lịch sinh thái rừng phòng hộ (tiểu khu 63) ở xã Suối Đá.
|
Một cánh rừng bán ngập trong lòng hồ Dầu Tiếng với cảnh quan đẹp.
Được biết, để bảo đảm môi trường sinh thái bền vững, huyện Dương Minh Châu đã đề ra khá nhiều biện pháp quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Huyện đã kiến nghị tỉnh có kế hoạch di dời một số nhà máy, lò chế biến khoai mì ra khỏi khu vực Thị trấn và khu vực đầu các nguồn nước.
Bí thư Huyện uỷ Dương Minh Châu cho biết thêm, trước tiên là phải làm cho mọi người dân thấy được ích lợi to lớn của việc khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá tâm linh kết hợp với sản xuất nông lâm thuỷ sản xanh- sạch- an toàn và có thương hiệu. Kế đến là quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu, liên kết mở các tour du lịch kết nối với các khu du lịch nổi tiếng trong vùng. Việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn huyện cũng là động lực không nhỏ thúc đẩy ngành du lịch của huyện phát triển.
Vừa qua, trên địa bàn huyện Dương Minh Châu xuất hiện 2 bãi tắm tự phát trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, thu hút khá đông người dân trong tỉnh cũng như người dân một số tỉnh, thành khác đến đây tắm mát, thư giãn. Điều đó cho thấy khả năng thu hút du khách đến với Dương Minh Châu là không nhỏ nếu các dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện được thực hiện thành công.
HIỀN LƯƠNG