Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tìm hướng giải bài toán về nước sạch
Thứ năm: 03:19 ngày 02/06/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Trên thực tế, rất nhiều hộ dân cả ở vùng đô thị lẫn nông thôn vẫn sử dụng nước giếng tự khoan. Nếu như Công ty Cấp thoát nước đầu tư đường ống mà số hộ này không sử dụng nguồn nước cấp thì sẽ gây sự thất thoát, lãng phí tiền của không nhỏ. Điều quan trọng là người dân cần nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải sử dụng nước sạch để bảo đảm sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình mình.

Hệ thống xử lý nước tại Nhà máy nước Tây Ninh.

Xã hội phát triển, nhu cầu đời sống hằng ngày của người dân cũng tăng lên. Trong đó nhu cầu về sử dụng nước sạch (nước sạch đô thị/nước máy) để bảo đảm sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống là không thể thiếu. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay ở Tây Ninh, không phải nơi nào người dân- kể cả những người sống ở khu vực đô thị hay vùng ven đô thị cũng được sử dụng nguồn nước sạch.

Thiếu nước sạch, người dân...…“tự xử”

Nhiều người dân ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành cho biết, mặc dù nhà họ rất gần với công trình cấp nước sạch nông thôn và đường ống nước cũng có đi ngang qua nhà họ, nhưng họ không sử dụng nguồn nước này do chất lượng nước không cao, vẫn còn phèn, việc cấp nước lại không phục vụ 24/24 mà chỉ bơm vài lần trong ngày nên các hộ dân không chủ động được việc lấy nước. Có người kể: “Mỗi khi nhà có đám tiệc phải sử dụng khối lượng nước lớn và thường xuyên thì phải gọi điện… nài nỉ người quản lý việc bơm nước. Vì thế, tuy trước đây nhiều hộ cũng có sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước của ấp nhưng sau đó họ tự khoan giếng, tự lọc nước để dùng”. Khá nhiều hộ dân trong ấp Thanh Trung cũng chọn cách “tự xử” như vậy. Dĩ nhiên, việc lọc nước theo kiểu thủ công, tự phát ở mỗi gia đình khó có thể cho ra nguồn nước bảo đảm tiêu chuẩn nước sạch như quy định, chưa kể nếu sử dụng lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Cũng theo lời một người dân ở ấp Thanh Trung, hiện đường ống nước cấp thuỷ đã kéo tới ngã tư xã Thanh Điền. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị, người dân trong ấp vẫn chưa được sử dụng nguồn nước máy này, mà ngày ngày chỉ sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước của ấp hoặc nước giếng khoan của gia đình. Chị Nguyễn Thị Thu ngụ cùng ấp Thanh Trung bày tỏ niềm mong muốn của mình: “Biết rằng sử dụng nước cấp thuỷ sẽ phải tốn chi phí nhiều hơn so với sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước nông thôn hay nước giếng tự bơm, nhưng đây là nhu cầu thực sự cần thiết, người dân có thể chi trả để bảo đảm sức khoẻ cho bản thân và gia đình”.

Điển hình của tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt còn diễn ra ở 3 xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng. Nguồn nước ngầm vùng này bị nhiễm phèn nặng nên Nhà nước đã xây dựng ở đây đến 9 công trình cấp nước sạch nông thôn. Các công trình nay đã xuống cấp và chưa được tu sửa thường xuyên, hiệu quả hoạt động chưa như mong muốn, chất lượng nguồn nước cũng không cao nên đa số các hộ dân ở đây vẫn đang khát khao nguồn nước sạch. Ông Trần Công Tuất - nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Bình Thạnh đưa ra ý tưởng của mình: vùng đất này mạch nước ngầm bị nhiễm phèn nặng nên các công trình cấp nước nông thôn nhỏ lẻ cũng khó xử lý nước cho đạt chất lượng. Điều thuận lợi ở đây là có nguồn nước mặt dồi dào của sông Vàm Cỏ Đông. Ở thành phố Hồ Chí Minh, người ta lấy nước sông Sài Gòn để xử lý làm nước sinh hoạt, vậy thì ở đây tại sao không thể lấy nước mặt sông Vàm để đưa về nhà máy xử lý cho nhân dân có nước sạch mà dùng?

Ở thành phố Tây Ninh, nhiều hộ dân ở các xã Tân Bình, Bình Minh và phường Hiệp Ninh cũng đang ngày ngày mong ngóng có được nguồn nước sạch để sử dụng. Chị Nguyễn Mỹ Phương- nhà ở khu phố Hiệp Bình, phường Hiệp Ninh thắc mắc: tiếng là ở thành phố mà sao nhiều người như chị vẫn chưa có nước máy để sử dụng, cứ phải sử dụng nước tự bơm mà không biết nguồn nước này có bảo đảm an toàn?

Nơi cần không có, nơi có... không xài !

Ông Nguyễn Thế Bảo– Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh cho biết, hiện nay, người dân trong tỉnh sử dụng nước sinh hoạt từ 3 nguồn chính. Ở nông thôn thì sử dụng nguồn nước từ các công trình cấp nước sạch nông thôn (do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách). Ở đô thị (phường, thị trấn) thì sử dụng nước sạch đô thị do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh (viết tắt là Công ty Cấp thoát nước) phụ trách. Ngoài ra, một phần lớn hộ dân từ đô thị đến nông thôn vẫn còn thói quen sử dụng nước sinh hoạt tự bơm sau lọc. Các hộ dân ở ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành hay 3 xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng đều thuộc vùng nông thôn, ở đây đã có công trình cấp nước sạch nông thôn thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường. Nếu người dân thực sự có nhu cầu với số lượng lớn và UBND tỉnh cho phép thì Công ty Cấp thoát nước sẽ tổ chức khảo sát, nghiên cứu và cấp nước sạch đô thị cho người dân. Đối với các hộ dân ở xã, phường (thuộc thành phố Tây Ninh, thị trấn các huyện nếu như có nhu cầu sử dụng nước sạch đô thị thì công ty sẽ tiến hành khảo sát số người sử dụng, nếu thấy thích hợp (ít nhất nhu cầu sử dụng phải chiếm hơn 1.000 m3/ngày đêm), công ty sẽ đầu tư kéo đường ống nước cho các hộ. Tuy nhiên, số hộ sử dụng cũng phải nhiều thì mới bảo đảm hoạt động của công ty.

Ông Bảo cho biết thêm, trên thực tế có nhiều hộ dân trên các tuyến đường do nguồn nước trong khu vực bị ô nhiễm nên cũng có nhu cầu về sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, các hộ này phân bố thưa thớt, tổng số hộ sử dụng không nhiều trong khi chi phí đầu tư đường ống, chi phí bảo dưỡng, quản lý vận hành lớn nên trước mắt công ty chưa thể đáp ứng để kéo đường nước ngay. Bên cạnh đó, cũng có nhiều hộ dân trên các tuyến đường đã được đầu tư đường ống ngang qua nhà nhưng lại không sử dụng (hiện có hơn 2.000 hộ đã gắn đồng hồ nhưng không sử dụng nước). Mặt khác, rất nhiều hộ đăng ký sử dụng nhưng số lượng thực dùng rất ít. Vẫn theo lời ông Bảo, thực hiện Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11.7.2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, công ty đầu tư miễn phí hệ thống ống nhánh (bao gồm cả đồng hồ đo nước) cho khách hàng trong phạm vi 4m (hơn 1 triệu đồng/khách hàng). Tuy nhiên, hiện nay trung bình mỗi tháng Công ty có hơn 6.000 khách hàng đã lắp đồng hồ nước có mức sử dụng nước dưới 4m3 tháng, gây lãng phí chi phí đầu tư đấu nối, chi phí bảo dưỡng đường ống, chi phí tiền lương cho nhân viên ghi đồng hồ nước, chi phí thay đồng hồ đo nước đến định kỳ miễn phí cho khách hàng.

Hiện nay, có 6/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có hệ thống cấp nước đô thị là các xã, phường thuộc thành phố Tây Ninh, các vùng thị trấn thuộc các huyện Hoà Thành, Châu Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng và Gò Dầu. Nhà máy nước Tây Ninh đặt tại phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh (nhà máy nước mặt duy nhất hiện nay) có nguồn nước thô lấy từ cầu K18 kênh Tây – hồ Dầu Tiếng công suất 18.000m3/ngày đêm, phục vụ cấp nước cho TP. Tây Ninh, thị trấn Hoà Thành và thị trấn Châu Thành. Các trạm cấp ở thị trấn các huyện khai thác nguồn nước từ mạch nước ngầm; huyện Châu Thành có hệ thống cấp nước công suất 1.000m3/ngày đêm trong khi các huyện khác như Gò Dầu, Trảng Bàng, Bến Cầu đều có hệ thống cấp nước công suất 3.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, trong thực tế một số nhà máy chưa hoạt động hết công suất thiết kế. Chẳng hạn nhà máy nước Tây Ninh chỉ đạt khoảng 15.000/18.000m3/ngày đêm; Bến Cầu chỉ đạt 1.500m3/ngày đêm. Tính chung, tổng công suất thiết kế của các trạm cấp nước và nhà máy nước là 28.000m3/ngày đêm trong khi tổng công suất khai thác thực tế hiện nay là 20.000m3/ngày đêm.

Nước sạch cho mọi nhà: cần có lộ trình

Đến nay, Công ty Cấp thoát nước quản lý và cấp nước cho 24.400 khách hàng với sản lượng tiêu thụ năm 2015 hơn 6 triệu m3. Trong đó, đối tượng sử dụng nước sinh hoạt chiếm gần 70%; còn lại là đối tượng cơ quan hành chính sự nghiệp, đối tượng sản xuất vật chất, khu công nghiệp, doanh nghiệp, kinh doanh dịch vụ.

Như vậy, trong tỉnh hiện còn 3 huyện là Tân Châu, Tân Biên và Dương Minh Châu chưa có hệ thống cấp nước đô thị, phần lớn người dân vẫn phải dùng nguồn nước tự bơm để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Tây Ninh đang kêu gọi nhà đầu tư đến đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch cho 3 địa phương trên. Theo đó, hệ thống cung cấp nước sạch thị trấn Tân Biên dự kiến cung cấp nước sạch cho 14.000 dân ở 7 khu phố trên địa bàn thị trấn. Hệ thống cung cấp nước sạch thị trấn Tân Châu dự kiến cung cấp nước sạch cho khoảng 7.200 dân ở 4 khu phố, còn hệ thống cung cấp nước sạch thị trấn Dương Minh Châu dự kiến cung cấp nước sạch cho khoảng 8.000 dân ở 4 khu phố.

Vẫn còn những trạm cấp nước sạch nông thôn bị xuống cấp.

Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Tây Ninh cho biết, mặc dù vẫn còn một số khó khăn, nhưng hướng tới mục tiêu của công ty là cung cấp nước sạch cho người dân ở 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Có điều là mục tiêu này cần được thực hiện theo lộ trình. Thời gian tới, công ty sẽ tham gia đấu thầu để đầu tư thực hiện hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân ở thị trấn Tân Châu, Tân Biên và Dương Minh Châu.

Riêng năm 2016, dự kiến công ty sẽ đầu tư hơn 100 tỷ đồng để làm mới, nâng cấp, mở rộng các đường ống nước ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Tây Ninh cùng các huyện Châu Thành, Hoà Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng, Gò Dầu và phát triển hệ thống cấp nước ở nông thôn…

Mục tiêu này cần được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Trên thực tế, rất nhiều hộ dân cả ở vùng đô thị lẫn nông thôn vẫn sử dụng nước giếng tự khoan. Nếu như Công ty Cấp thoát nước đầu tư đường ống mà số hộ này không sử dụng nguồn nước cấp thì sẽ gây sự thất thoát, lãng phí tiền của không nhỏ. Điều quan trọng là người dân cần nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải sử dụng nước sạch để bảo đảm sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình mình.

HUY LIỆU

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh