Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Thứ ba: 04:30 ngày 06/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí hiện nay, những quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Linh về báo chí vẫn còn nguyên giá trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc Báo Nhân Dân.

Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Trưởng Ban lễ tang đọc ngày 29.4.1998 đã đánh giá cao công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, làm nổi bật một trong những nhân cách Cộng sản lớn: người Cộng sản kiên cường, bất khuất, một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tuỵ, hy sinh, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Đặc biệt, lời điếu đã khẳng định: “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân dân đã có tác dụng cổ vũ cuộc đấu tranh, chống tiêu cực, tham nhũng “Đồng bào, đồng chí còn nhớ “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân dân vào năm đầu thời kỳ đổi mới, tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội: dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước (1)”.

Giai đoạn những năm 1986 là thời kỳ khó khăn của đất nước, khi mà lạm phát lên tới 3 con số, sản xuất đình đốn, đời sống của nhân dân ta vô cùng khó khăn, tình hình thế giới đầy biến động, nhất là ở Liên Xô và Đông Âu.

Trước thực trạng ấy, Đại hội VI của Đảng đã quyết định đường lối tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt là đổi mới trên lĩnh vực kinh tế. Nói đến đồng chí Nguyễn Văn Linh là nói đến một “kiến trúc sư” của thời kỳ đổi mới, người đã có công lao to lớn cùng với toàn Đảng sáng suốt lãnh đạo nhân dân ta vượt qua giai đoạn đầy khó khăn thử thách.

Một trong những dấu ấn về vai trò của đồng chí Nguyễn Văn Linh là đổi mới về tư duy, lý luận, đổi mới về kinh tế. Tuy nhiên, nói đến đồng chí Nguyễn Văn Linh không thể không nhắc tới một sự kiện đến nay vẫn còn dư âm rất tốt trong dư luận và nhân dân đang mong muốn sự kiện này sẽ quay trở lại: Đổi mới báo chí, dùng báo chí như một công cụ hữu hiệu để chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam sở dĩ đã giành thắng lợi là do ngay từ đầu, Đảng ta đã xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương châm, tư tưởng chỉ đạo cốt lõi và nguyên tắc của đổi mới. Với vai trò là người đứng đầu, người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có cống hiến to lớn trong việc xác định những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước.

Ngay sau Đại hội VI của Đảng, lần lượt những vấn đề, nội dung đổi mới đất nước đã ngay lập tức được Trung ương Đảng bắt tay vào bàn bạc và ra các quyết định: Hình thành ở Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (3.1989); Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (8.1989); bổ sung và hoàn thiện tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (3.1990). Những nguyên tắc này đã trở thành cơ sở để thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, là sự bảo đảm chắc chắn cho sự nghiệp đổi mới không bị chệch hướng xã hội chủ nghĩa và đi tới thành công.

Cùng với những bước đi phù hợp và chắc chắn về đổi mới kinh tế, Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Văn Linh đã quan tâm đến đổi mới báo chí mà sự kiện để lại dấu ấn sâu đậm nhất chính là “Những việc cần làm ngay” xuất hiện trên Báo Nhân dân từ ngày 25.5.1987.

Không ai khác, chính đồng chí Nguyễn Văn Linh là người khởi xướng và trực tiếp viết bài. Qua những bài báo này, đồng chí Nguyễn Văn Linh khẳng định toàn Đảng, toàn dân phải đưa cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội và công khai minh bạch ra toàn xã hội.

Thực hiện tốt nội dung này chính là để phát huy và tận dụng sức mạnh của báo chí trong cuộc chiến chống tiêu cực. Ngày 25.5.1987, báo Nhân Dân đăng bài đầu tiên “Những việc cần làm ngay” dưới ký tên N.V.L.

Bài viết nêu rõ: “Thực hiện đổi mới, thì việc chống tiêu cực đã thành nhiệm vụ quan trọng dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết khác của Đảng nhằm đưa nước nhà khỏi cảnh khó khăn, đi đến ổn định tình hình mọi mặt, làm cho dân bớt khổ, ngày càng được hạnh phúc như Di chúc Bác Hồ đã căn dặn (2)”.

Tổng Bí thư đòi hỏi báo chí phải là vũ khí sắc bén, nhà báo phải là chiến sĩ dũng cảm trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Trên báo Nhân Dân ngày 24.6.1987, tác giả N.V.L viết: “Nhà báo phải có tấm lòng cương trực: yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét kẻ làm xấu, làm sai, làm ác để lên án (3)”.

Thông thường, những tư duy đổi mới ban đầu bao giờ cũng gặp phải những phản ứng, những khó khăn, vì lẽ đó, mặc dù nhận được rất nhiều đồng tình và hưởng ứng của dư luận nhưng không phải không có những ý kiến băn khoăn.

Chính đồng chí Nguyễn Văn Linh đã từng nói có những ý kiến của những đồng chí có trách nhiệm khuyên là không nên viết nhiều về những tiêu cực và hãy thận trọng. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nói rõ: “Chúng ta không nên thận trọng tới mức rụt rè.

Có gì sai khi chúng ta nói rõ sự thật, dù là sự thật đau lòng để cùng nhau khắc phục, cùng nhau sửa chữa; sửa chữa để tiến lên; phải tiếp tục đẩy mạnh phê bình và tự phê bình; phải kiên quyết chống bọn tham nhũng, ăn cắp, ức hiếp nhân dân và phải xử lý thật nghiêm (4)”.

Cuộc đấu tranh chống tiêu cực trên báo được tác giả N.V.L khởi xướng đã mau chóng trở thành một phong trào rộng lớn trên báo chí và các phương tiện thông tin cả nước. Chính người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Báo, đài đã nhiệt tình góp thêm những tiếng nói lành mạnh, nhắc nhở mọi người: cần đưa nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới thực sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu thì lúa mới mọc lên vậy (5)”.

Bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh trên Báo Nhân Dân đăng ngày 24.5.1987

Từ những quan điểm đổi mới báo chí này của đồng chí Nguyễn Văn Linh, có thể nhận thấy người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã nhận thức về vai trò và nhiệm vụ của báo chí, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Báo chí không chỉ là diễn đàn, là tiếng nói của nhân dân, báo chí không chỉ góp phần định hướng dư luận xã hội mà còn có chức năng đặc biệt quan trọng là phản biện, giám sát, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư đã đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng và cổ vũ sử dụng báo chí để công khai, trực diện tấn công vào những hạn chế của xã hội, đặc biệt là lĩnh vực chống tham nhũng, lãng phí, ăn cắp của công, gian lận thương mại, làm giàu bất chính…

Đây không phải là việc mới mẻ trong chính quyền dân chủ nhân dân bởi sinh thời Bác Hồ luôn dạy cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, là lãnh đạo, nhưng là người đầy tớ của nhân dân. Những diễn đàn công khai của báo chí, nghị trường dưới chính thể dân chủ cộng hoà đã làm tốt việc này từ việc chất vấn về tham nhũng tại Quốc hội khoá I đến những bài chống tham nhũng trên Báo Nhân dân đã lôi ra ánh sáng vụ án Trần Dụ Châu…

Tuy nhiên, sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có thời gian dài báo chí thiên về “tụng ca” là chính, vì lẽ đó, những đổi mới báo chí của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thật sự tạo sinh khí mới cho hoạt động của báo chí nước nhà. Lần đầu tiên, những vụ việc tiêu cực cụ thể đã được “trưng” trên mặt báo - Báo Nhân Dân - với đầy đủ cụ thể về “họ tên”, địa chỉ, cơ quan… kèm theo đó là những chất vấn rất “báo chí”: Việc ấy có không? Có thì sửa ra sao? Bao giờ khắc phục? Đây có lẽ là một trong những việc làm quyết liệt nhất của Đảng ta.

Khi đã bị “bêu” lên mặt báo, tất nhiên “có tật giật mình” và những hành vi tiêu cực, những người tiêu cực chắc chắn sẽ phải sửa đổi. Khi Đảng, Nhà nước đã đồng lòng, quyết liệt chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí, nội dung lại được đăng lên trang nhất của Báo Nhân dân đã tạo cho nhân dân niềm tin, phấn khởi vào Đảng, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước.

Ngược lại, cán bộ, đảng viên sẽ tự cảnh tỉnh để không vi phạm. Vì vậy, không lạ khi nhân dân, cán bộ đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Chính đồng chí Nguyễn Văn Linh trên bài viết ngày 10.7.1987 đã cho biết “Những đồng chí về hưu, nhiều cán bộ, nhân dân hoặc viết thư thẳng thắn cho N.V.L hoặc viết cho báo, đài, vừa hưởng ứng, vừa góp nhiều ý kiến hay, đáng chú ý để làm tiếp; vừa phân vân chỉ sợ bệnh tiêu cực đang nặng, đang rộng, mới khơi phong trào ít lâu rồi bỏ sang việc khác, để nguội đi, tắt đi, thì căn bệnh xã hội này lại tái phát, có khi còn nặng hơn.

Nhiều thư kêu gọi sự quyết tâm làm việc này thật kiên trì, cho xã hội ta đã tốt đẹp phải tốt đẹp hơn, dân mới tin Đảng, Đảng mới càng hiểu dân, tin dân (6)”. Việc khơi mào và thực hiện công khai tham nhũng, tiêu cực trên báo chí đã tạo ra hiệu ứng tích cực đặc biệt cho xã hội, để đến khi mặc dù những bài viết này không xuất hiện nữa nhưng nó vẫn còn “vang vọng” mãi.

Chính sự “khơi mào” này đã tạo tiền đề tốt để báo chí tham gia có trách nhiệm hơn, nhà báo xác định trách nhiệm của mình với xã hội để “bút sắt, lòng son” tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Vì vậy, khi trả lời phỏng vấn nhà báo Suzuki của Báo Akahata (Nhật Bản) tại hội nghị bàn tròn các nhà báo châu Á - Thái Bình Dương ngày 21.1.1988 về việc tại sao những bài báo của N.V.L hiện nay không thấy xuất hiện nữa, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trả lời “Việc này phải tiếp tục làm.

Nhưng tại sao mà có một lúc N.V.L không có bài trên báo, vì những bài báo của N.V.L chẳng qua cũng như mở máy và nhấn ga cho ô tô chạy và cái ô tô đó phải là các nhà báo, là quần chúng, khi nhấn ga rồi để cho ô tô chạy đã. Rồi ra lần lần cũng sẽ có một số bài khác của N.V.L, lần lần cũng phải nhấn ga để cho ô tô chạy với tốc độ nhanh hơn (7)”.

Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí hiện nay, những quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Linh về báo chí vẫn còn nguyên giá trị.

VŨ TRUNG KIÊN

(1) Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo (2003), Nxb Chính trị quốc gia, tr. 14

(2) Báo Nhân Dân ngày 25.5.1987

(3) Báo Nhân Dân ngày 24.6.1987

(4) Báo Nhân Dân ngày 10.7.1987

(5) Báo Nhân Dân ngày 25.5.1987

(6) Báo Nhân Dân ngày 10.7.1987

(7) Nguyễn Văn Linh (1988), Đổi mới để tiến lên, Nxb Sự thật, t2, tr. 33

Tin cùng chuyên mục