Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tất cả người Việt Nam đều là con dân nước Việt, đều có quyền sống, làm việc, quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc và yêu thương trên mảnh đất quê hương; đều có quyền và trách nhiệm góp sức xây dựng Tổ quốc.

Sáng 30-4, Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) diễn ra trọng thể tại TP.HCM, với sự tham dự của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Mở đầu bài diễn văn quan trọng tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và sự tri ân chân thành đến các Mẹ Việt Nam anh hùng; các Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; các Anh hùng Lao động; các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ; các cựu chiến binh; các gia đình có công với nước.
Cùng với đó là các vị khách quốc tế, các quý vị đại biểu; cùng toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - những người đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: THUẬN VĂN
Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
“Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu – lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”- Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Tổng Bí thư khẳng định năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng - là thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của khí phách và trí tuệ Việt Nam, của lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông, với chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Cũng theo Tổng Bí thư, thắng lợi này cũng là dấu mốc khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã hiện thực được ước muốn và lời căn dặn thiết tha nhất của Bác Hồ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nam – Bắc sum họp một nhà.
Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước diễn ra trọng thể tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng; từ đường lối chiến tranh Nhân dân, tiến hành bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế; từ sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, cùng nghệ thuật chọn đúng thời cơ, tập trung lực lượng, tiến hành tổng tiến công và nổi dậy; từ sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Thắng lợi này cũng có sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, chí nghĩa chí tình và hiệu quả của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em; của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào – Campuchia; của Nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới, trong đó có cả Nhân dân tiến bộ Mỹ.
“Đặc biệt, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; là sự mở đầu cho sự phá sản của chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nhân loại thế kỷ 20”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Những bài học kinh nghiệm có giá trị sâu sắc
Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định cùng với ý nghĩa mang tầm vóc thời đại, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 để lại những bài học kinh nghiệm có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Theo Tổng Bí thư, đó là bài học về sự phát huy sức mạnh của Nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; bài học về phát huy tinh thần yêu nước, đẩy mạnh lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, anh dũng, kiên cường, ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đó cũng là bài học về việc giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, xác định đường lối đúng đắn, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của cách mạng Việt Nam; bài học về vận dụng và phát triển sáng tạo phương pháp đấu tranh cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, triển khai lý luận chiến tranh Nhân dân với nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo: “lấy ít địch nhiều”, “lấy chí nhân thay cường bạo”.
Đó còn là bài học về nắm vững, tranh thủ thời cơ và tiến công thần tốc, táo bạo, chủ động, nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo và kiên quyết, tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi trọn vẹn.
Bài học về lòng nhân ái, hòa hợp dân tộc, biết gác lại quá khứ, hướng tới tương lai sau chiến thắng.
“Bài học lớn nhất, đồng thời là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, chính là: Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ thành quả của CNXH”- vẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm.
Top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút FDI
Tổng Bí thư đánh giá sau 50 năm thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.
Từ một nước nghèo và lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây, cô lập, đến nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia đang phát triển, có thu nhập tiếp cận trung bình cao, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.
Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, có vai trò chủ động, tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Lợi ích quốc gia – dân tộc được bảo đảm.
Khối nữ sĩ quan gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
“Quy mô nền kinh tế năm 2024 đứng thứ 32 thế giới và nằm trong top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài”- Tổng Bí thư nói, đồng thời cho hay đời sống Nhân dân đã được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,93% theo chuẩn đa chiều, so với mức hơn 60% vào năm 1986.
Cùng với đó, tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học – công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố. Quan hệ đối ngoại được mở rộng. Vị thế, uy tín của đất nước không ngừng được nâng cao.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; xây dựng các mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới – trong đó có Hoa Kỳ.
“Năm 2025 cũng là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”- Tổng Bí thư nói thêm.
Khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai
“Nửa thế kỷ đã trôi qua. Với những thành tựu vĩ đại đã đạt được, chúng ta đang đứng trước một khởi điểm lịch sử mới, để đưa đất nước vươn mình cất cánh, sánh vai với các cường quốc năm châu, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường”- Tổng Bí thư chia sẻ.
Tổng Bí thư cho rằng để làm được điều đó, chúng ta cần phải giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Tổng Bí thư lưu ý cần tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển; điều chỉnh không gian kinh tế; mở rộng không gian phát triển; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ và kết hợp hiệu quả các nguồn lực.
Cùng với đó, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Tiếp tục đột phá cơ chế và phương thức tạo ra sức sản xuất mới, lực lượng sản xuất mới, chất lượng mới”- Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng lưu ý phải tập trung thực hiện tốt chính sách công bằng, tiến bộ xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chính sách đối với người có công.
Đông đảo người dân xuống đường dự lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
“Thực hiện chính sách miễn học phí đối với các cấp học phổ thông. Quyết tâm hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước. Đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội cho người dân có thu nhập thấp.
Chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho người dân, để mỗi người dân Việt Nam thật sự có cuộc sống an ninh, an toàn, tự do, ấm no, hạnh phúc”- Tổng Bí thư nói đồng thời nhấn mạnh quan điểm: “Dân là gốc, con người là trung tâm, là chủ thể, là mục đích của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh chúng ta cần triển khai mạnh mẽ chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, với tinh thần: “Chúng ta đều mang dòng máu Lạc Hồng, đều là anh em ruột thịt, như cây một cội, như con một nhà”.
“Tất cả người Việt Nam đều là con dân nước Việt, đều có quyền sống, làm việc, quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc và yêu thương trên mảnh đất quê hương; đều có quyền và trách nhiệm góp sức xây dựng Tổ quốc”- Tổng Bí thư một lần nữa nhắc tới chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng ra sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển.
Cuối bài diễn văn, Tổng Bí thư tin tưởng với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam, chúng ta đã làm nên Đại thắng Mùa xuân năm 1975, nhất định chúng ta sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu vĩ đại hơn nữa, lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn mình của dân tộc.
Xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai với các cường quốc năm châu, như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của toàn dân tộc.
Giữ nước từ khi nước chưa nguy
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, là một dân tộc từng chịu nhiều mất mát, đau thương do chiến tranh, thấu hiểu sâu sắc giá trị quý báu của hòa bình, độc lập, tự do, chúng ta cần tiếp tục tăng cường và hiện đại hóa quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vì hòa bình và tự vệ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa - giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Cùng với đó, xây dựng và phát huy thế trận lòng dân, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại - là lực lượng nòng cốt, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; là thanh bảo kiếm và tấm lá chắn bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ; luôn là điểm tựa vững chắc cho Nhân dân.
Tự hào về Đảng quang vinh và những chiến công vĩ đại của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta càng nỗ lực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, toàn diện, để Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự và lương tri của dân tộc và thời đại, xứng đáng với niềm tin, sự lựa chọn và sự kỳ vọng của Nhân dân.
Tổng Bí thư cũng lưu ý việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền và nâng cao sức chiến đấu của Đảng; thực hiện thành công cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng cao, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực.
“Kiên quyết đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tệ quan liêu. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp - nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu - có đủ phẩm chất, trí tuệ, tận tâm, tận lực; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và Nhân dân”- Tổng Bí thư nói.
Nguồn PLO