Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ông Lâm Oóc, 46 tuổi, ngụ ấp Con Trăn, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu, gửi đơn đến Toà soạn Báo Tây Ninh khiếu nại về việc Ban quản lý rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng cố tình bao che để ông Tuân sử dụng đất của ông.

|
Ông Tuân vừa cày đất để chuẩn bị canh tác vụ mới |
(BTN) - Ông Lâm Oóc, 46 tuổi, ngụ ấp Con Trăn, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu, gửi đơn đến Toà soạn Báo Tây Ninh khiếu nại về việc Ban quản lý rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng cố tình bao che để ông Tuân sử dụng đất của ông.
Trong đơn, ông Lâm Oóc nêu năm 1988, ông vào Tiểu khu 49, rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng khai phá 2 ha đất- trong đó có 0,5 ha đất gò để trồng mì, 1,5 ha đất trảng còn lại dùng đề trồng lúa. Đến năm 2004, ông cho bà Nguyễn Thị Ngọc Sen, 48 tuổi, ngụ ấp 4, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu mượn toàn bộ 2 ha đất kể trên để canh tác. Không biết vì sao, đến tháng 3.2013, ông Đỗ Thành Tuân, ngụ thị trấn Tân Châu vào trồng mì trên phần đất này.
Ngày 18.11.2013, chúng tôi đến gặp bà Nguyễn Thị Ngọc Sen để tìm hiểu vụ việc. Bà Sen dẫn chúng tôi vào Tiểu khu 49, rừng phòng hộ Dầu Tiếng- nơi bà và ông Tuân đang tranh chấp 2 ha đất. Bà Sen kể tiếp: Bà trồng mì trên đất này được mấy năm, đến năm 2007 cán bộ bảo vệ rừng phòng hộ Dầu Tiếng không cho bà canh tác nữa với lý do là chờ triển khai trồng lại rừng theo chủ trương của Nhà nước.
Từ đó, bà
không sản xuất trên phần đất này. Thế nhưng, ngày 5.3.2013, tình cờ bà phát hiện
ông Tuân đang dùng xe cơ giới móc mương thoát nước quanh phần đất này để trồng
mì. Bà nộp đơn lên Ban quản lý rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng khiếu nại, Ban quản lý
lập biên bản và đình chỉ mọi tác động, giữ nguyên hiện trạng trên phần đất này.
Tưởng đâu thế là mọi việc đã được giải quyết xong, nào ngờ ngày 9.11.2013, bà lại thấy ông Tuân đang thu hoạch mì và cày đất để chuẩn bị tiếp tục trồng mì. “Tôi mong các cấp lãnh đạo buộc ông Tuân trả lại 2 ha đất này và cho tôi xin đăng ký trồng rừng theo quy định của Nhà nước”, bà Sen nói.
Trong khi đó, ông Đỗ Thành Tuân cho biết, năm 2012, ông mua lại 2 ha đất của ông Đoàn Minh Đức (thường gọi là thầy Dũng), ngụ ấp Cây Cầy, với giá 37 triệu đồng. Ông Đức có giao cho ông Tuân một số giấy sang nhượng phần đất này, trong đó: năm 2005, ông Lâm Oóc sang nhượng lại cho Nguyễn Văn Hừng; sau đó ông Hừng sang lại cho ông Nguyễn Lê Khang; năm 2012, ông Trần Văn Hạnh (cha vợ ông Nguyễn Lê Khang) sang nhượng lại cho ông Đoàn Minh Đức.
“Việc ông Lâm Oóc khiếu nại như trên là không đúng sự thật, vì ông Oóc đã sang nhượng diện tích đất trên cho ông Nguyễn Văn Hừng từ năm 2005 rồi”, ông Tuân khẳng định.
Trao đổi với
chúng tôi về vấn đề này, ông Nhữ Như Trung- cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ hồ
Dầu Tiếng cho biết: Diện tích đất ông Lâm Oóc nêu trong đơn là do ông Lâm Oóc
lấn chiếm trái phép đất rừng sử dụng sai mục đích.
Ban quản lý rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng hoàn toàn không giao phần đất này cho ai nên không thuộc quyền sử dụng của ông Oóc hoặc ông Tuân. Việc tranh chấp giữa ông Oóc và ông Tuân thuộc về tranh chấp dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban quản lý rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng. Do đó, đề nghị ông Oóc gửi đơn đến UBND xã Tân Hoà nhờ giải quyết.
Riêng phần đất nêu trên, Ban quản lý rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng đã lập biên bản cấm tác động để rừng tái tạo tự nhiên. Việc lấn chiếm phần đất này, Ban quản lý đang củng cố hồ sơ, chuyển ngành chức năng xử lý.
Dương Sông Ninh