Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Nguyên nhân là do việc hỗ trợ như các nội dung tại Điều 3 của quy định hỗ trợ quá chặt, không phù hợp với trình độ công nghệ sản xuất và chế độ quản lý thực tế của doanh nghiệp tại địa phương, làm cho doanh nghiệp có dự án cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất khó lòng đáp ứng các điều kiện đòi hỏi và trở nên e ngại, không muốn tham gia.

Quy trình sản xuất tại một công ty dệt.
Ngày 11.12.2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 59/2012/QĐ-UBND về quy định hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ giai đoạn 2012 – 2015. Theo nội dung của quy định này, đối tượng được hỗ trợ gồm mọi tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế và hợp tác xã (gọi tắt là doanh nghiệp) có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh, hoặc có đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ tại Tây Ninh thực hiện đề tài, dự án ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ có tổng mức đầu tư tối thiểu 100 triệu đồng.
Nội dung hỗ trợ gồm hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu cải tiến công nghệ và khuyến khích việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tiếp thu và làm chủ công nghệ. Theo đó, mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước tối đa 30% tổng mức kinh phí đầu tư nhưng không quá 500 triệu đồng/đề tài hoặc dự án.
Sau khi quy định trên được triển khai, năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận 6 hồ sơ tham gia của doanh nghiệp, xét duyệt 1 doanh nghiệp được hỗ trợ, tuy nhiên việc hỗ trợ kinh phí không thực hiện được do doanh nghiệp không bổ sung các hồ sơ liên quan đến nội dung được hỗ trợ.
Từ năm 2014 – 2015, Sở đã hướng dẫn 7 doanh nghiệp làm hồ sơ nhưng không nhận được hồ sơ tham gia của doanh nghiệp nào. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác triển khai quy định hỗ trợ, bước đầu các doanh nghiệp cũng có quan tâm tìm hiểu và tham gia.
Tuy nhiên, việc triển khai đã không đem lại hiệu quả. Nguyên nhân là do việc hỗ trợ như các nội dung tại Điều 3 của quy định hỗ trợ quá chặt, không phù hợp với trình độ công nghệ sản xuất và chế độ quản lý thực tế của doanh nghiệp tại địa phương, làm cho doanh nghiệp có dự án cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất khó lòng đáp ứng các điều kiện đòi hỏi và trở nên e ngại, không muốn tham gia.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết các dự án cải tiến, đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất tập trung ở việc cải tiến, chế tạo thiết bị; mua sắm thiết bị, máy móc chính của dây chuyền sản xuất, hầu như không có dự án thực hiện “chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ mới”.
Do đó, nếu được xét duyệt hỗ trợ, doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ kinh phí cho việc thuê chuyên gia, tư vấn, tìm kiếm thông tin, đào tạo, nhân công, nguyên vật liệu, năng lượng, các dịch vụ liên quan về kỹ thuật và sở hữu trí tuệ, công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá nghiệm thu (Khoản 1, Điều 3 của Quy định hỗ trợ); đánh giá trình độ công nghệ, thiết kế sản phẩm, thiết kế và đổi mới công nghệ; nghiên cứu, đầu tư xây dựng, phát triển một số lĩnh vực công nghệ cao nhằm phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá của địa phương (Khoản 2, Điều 3 của quy định hỗ trợ).
Trên thực tế, việc doanh nghiệp thuê chuyên gia, tư vấn tìm kiếm thông tin, đánh giá trình độ công nghệ, thiết kế sản phẩm… (như tại Khoản 1, 2 Điều 3) của dự án là không có. Vì vậy, sau khi dự án được xét duyệt, doanh nghiệp không có cơ sở để lập hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí cụ thể.
Nhằm tạo cơ chế khuyến khích có hiệu quả các doanh nghiệp địa phương ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cũng như nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ về ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường; tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, Sở Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục ban hành quy định “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ” giai đoạn 2016 – 2020.
Bên cạnh đó, nội dung quy định sẽ theo hướng chỉ quy định hỗ trợ kinh phí đối với nhóm đối tượng (doanh nghiệp) có loại hình công nghệ và lĩnh vực đổi mới công nghệ phù hợp (như sử dụng công nghệ tạo sản phẩm mới; công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; công nghệ do doanh nghiệp tự cải tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm…); nhóm đối tượng thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ cao và không quy định nội dung hỗ trợ cụ thể (thuê chuyên gia, tư vấn tìm kiếm thông tin, đào tạo…) như đã nêu trên.
TRÚC LY