Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Tháng 5.1951, huyện căn cứ phía Đông Bắc của tỉnh Tây Ninh được thành lập, với tên gọi Dương Minh Châu- lấy theo tên của nguyên Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh.

Khu di tích lịch sử văn hoá Căn cứ Dương Minh Châu.
Huyện căn cứ Dương Minh Châu gắn liền với cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và trở thành chiến khu nổi tiếng ở đất miền Đông Nam bộ. Xứ uỷ Nam bộ, Bộ Tư lệnh Nam bộ, Phân liên khu miền Đông, Tỉnh uỷ Gia Định Ninh đã lấy nơi đây làm căn cứ trong những năm kháng chiến chống Pháp. Thời chống Mỹ, bên cạnh cơ quan Trung ương Cục, nơi đây còn có Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam, Đài Phát thanh giải phóng, Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng nhiều cơ quan trực thuộc Trung ương Cục, bộ đội tư lệnh Miền… Căn cứ Dương Minh Châu còn là nơi tập kết, huấn luyện và ra đời các đơn vị chủ lực của miền Đông, các lực lượng vũ trang tỉnh và huyện.
Chính vùng đất địa quân sự của huyện căn cứ Dương Minh Châu đã khiến cho thực dân Pháp và cả đế quốc Mỹ đều nuôi tham vọng muốn chiếm cứ. Sau trận lũ lịch sử Nhâm Thìn tháng 10.1952, lợi dụng lúc quân dân căn cứ Dương Minh Châu đang phải gồng mình chống đỡ và khắc phục hậu quả cơn đại hồng thuỷ, thực dân Pháp huy động 20 tiểu đoàn binh lính càn vào căn cứ hòng tiêu diệt đầu não chỉ huy cách mạng miền Nam. Song chúng đã chuốc lấy thất bại!
Mười lăm năm sau, tên thực dân mới theo gót thực dân cũ cũng rắp tâm “bủa lưới phóng lao”, hòng bắt gọn các nhà lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, làm cho Đài Phát thanh giải phóng phải “câm đi”, tiêu diệt chủ lực quân giải phóng miền Nam và “bẻ gãy xương sống Việt cộng” vv…vv… Để thực hiện cuồng vọng đó, đế quốc Mỹ đã ném vào chiến trường Dương Minh Châu hàng vạn quân trong cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1966-1967, cuộc càn Át-tơn-bo-rơ từ ngày 14.9 đến ngày 25.11.1966 với 30.000 quân; cuộc càn Gian-xơn- xi-ty từ ngày 22.3 đến ngày 15.4.1967 với 45.000 quân, đồng thời sử dụng máy bay B52 rải thảm tại bến Bà Hảo cùng với hàng ngàn tấn bom và chất độc hoá học trút xuống căn cứ Dương Minh Châu. Một lần nữa căn cứ địa Dương Minh Châu, quân và dân huyện Dương Minh Châu phải gánh chịu một khối lượng sắt thép, bom đạn khổng lồ chưa từng có. Song cả hai cuộc hành quân lớn nhất của quân đội Mỹ đều bị các lực lượng cách mạng trong vùng căn cứ đánh cho tan tác, khiến chúng bị thất bại nặng nề. Hai viên tướng của Mỹ chỉ huy 2 cuộc càn bị cách chức giữa lúc chiến trận đang còn tiếp diễn.
Cùng với cả nước, quân dân Dương Minh Châu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đóng góp sức người, sức của và góp phần cùng toàn miền đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
|
Huyện Dương Minh Châu đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013.
Mùa xuân năm 1975, thời cơ chiến lược đã chín muồi, thực hiện chỉ thị của Tỉnh uỷ Tây Ninh: huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã; quân dân Dương Minh Châu đồng loạt nổi dậy, tiến công giải phóng quê hương, cùng cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong 2 thời kỳ kháng chiến chống xâm lược, Đảng bộ, quân và dân huyện Dương Minh Châu cùng với 6 xã: Phước Ninh, Chà Là, Cầu Khởi, Lộc Ninh, Bến Củi, Suối Đá và Ban An ninh huyện (Công an huyện ngày nay) được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; nhiều tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được phong tặng danh hiệu anh hùng, kiện tướng diệt xe tăng, dũng sĩ diệt xe cơ giới, dũng sĩ diệt Mỹ. Huyện có 558 liệt sĩ, 392 thương binh, 131 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 6.000 gia đình có công với nước. Năm 2001, rừng lịch sử Dương Minh Châu được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân huyện Dương Minh Châu tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình chính trị, xã hội và phát triển kinh tế, cùng với đồng bào cả tỉnh tham gia bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá, tình trạng hoang hoá còn nhiều, người thất nghiệp lại đông, đến năm 1985, huyện Dương Minh Châu đã có được bước tiến khá và có mặt vượt bậc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá xã hội, quốc phòng an ninh. Hệ thống chính trị của huyện ngày càng vững mạnh, cùng góp của cải, công sức với nhân dân toàn tỉnh thực hiện thành công công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng.
Sau Đại hội VI của Đảng, thực hiện công cuộc đổi mới, huyện Dương Minh Châu từng bước tạo ra sản xuất hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Đảng bộ và nhân dân huyện không ngừng phát huy truyền thống tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển. Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bằng những giải pháp tích cực, Dương Minh Châu đã giữ được mức tăng trưởng kinh tế khá. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch phù hợp với thực tiễn. Sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị được tập trung thực hiện. Khu công nghiệp Chà Là và điểm công nghiệp Công ty Cansport ở Truông Mít thu hút hơn 20.000 công nhân, góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện. Hoạt động văn hoá - xã hội có nhiều khởi sắc. Cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục dần được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, an sinh xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo từng bước kéo giảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân dần được cải thiện. Năm 2013, huyện Dương Minh Châu vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
|
Lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Dương Minh Châu năm 1994.
Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu có hồ Dầu Tiếng, có đảo Nhím, đặc biệt là có rừng lịch sử với diện tích hơn 200 ha rất thích hợp cho khai thác du lịch sinh thái, truyền thống, nghỉ dưỡng. Khu tam giác K13 liền kề với núi Bà Đen rất thuận lợi cho việc xây dựng trung tâm thương mại, trạm dừng chân cho du khách. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của huyện Dương Minh Châu đã được công bố. Hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đang từng bước được đầu tư xây dựng. Toàn huyện đã và đang nỗ lực phấn đấu, huy động mọi nguồn lực cho phát triển bền vững trong thời gian tới.
Lục Quốc Hiệp
(Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Dương Minh Châu)