Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Thời gian qua, hoạt động vận tải hành khách, nhất là các tuyến cố định phát triển mạnh mẽ khi nhiều doanh nghiệp vận tải ra đời với loại hình xe khách chất lượng cao. Người dân ngày càng được hưởng nhiều tiện ích hơn trước khi đi xe khách tuyến cố định. Để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp vận tải đã không ngừng cho ra đời nhiều điểm đón, trả hành khách ở các tuyến đường lớn trong tỉnh. Chuyện tưởng không có gì đáng nói nhưng không phải thế.

Điểm bán vé xe và đón, trả khách của Công ty Đồng Phước tại Chi nhánh huyện Hoà Thành (ảnh minh hoạ).
Theo lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải, hiện nay phần lớn các điểm đón, trả khách tuyến cố định của các doanh nghiệp vận tải ở Tây Ninh đều là tự phát, không được Sở cấp phép và hoạt động của họ không tuân thủ đúng theo quy định pháp luật.
Quy định một đàng, thực tế một nẻo
Theo Điều 9 của Thông tư 63/2014/TT-BGTVT (Thông tư 63) ngày 7.11.2014 của Bộ Giao thông- Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng đường bộ thì các điểm đón, trả khách của ô tô khách tuyến cố định phải bảo đảm các tiêu chí như: điểm đón, trả khách chỉ được bố trí tại các vị trí bảo đảm an toàn giao thông, thuận tiện cho hành khách lên, xuống xe; có đủ diện tích để xe dừng đón, trả khách, bảo đảm không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường; điểm đón, trả khách phải được báo hiệu bằng biển báo 434a theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41: 2012/BGTVT) và có biển phụ như sau: “ĐIỂM ĐÓN, TRẢ KHÁCH TUYẾN CỐ ĐỊNH”. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 điểm đón, trả khách liền kề hoặc giữa điểm đón, trả khách với trạm dừng nghỉ hoặc giữa bến xe hai đầu tuyến là 5km. Ngoài ra, việc tổ chức giao thông tại điểm đón, trả khách phải bảo đảm là các điểm đón, trả khách chỉ phục vụ các xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định đón, trả khách; nghiêm cấm sử dụng cho hoạt động khác.
Tại điểm đón, trả khách chỉ cho phép mỗi xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định được dừng tối đa không quá 3 phút. Sở Giao thông - Vận tải địa phương xác định vị trí điểm đón, trả khách tuyến cố định (đối với đường quốc lộ phải thống nhất với cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền) trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại khu vực điểm đón, trả khách trên địa bàn địa phương. Điểm đón, trả khách được đầu tư, xây dựng theo nguyên tắc sau: đối với các tuyến đường bộ xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng, chủ đầu tư có trách nhiệm đưa vào thành một hạng mục trong dự án đầu tư xây dựng; đối với các tuyến đường bộ hiện đang khai thác, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hoá hoặc từ nguồn ngân sách Nhà nước. Sở Giao thông - Vận tải ra văn bản thông báo về việc đưa vào khai thác hoặc ngừng khai thác điểm đón, trả khách trên tuyến cố định.
Thế nhưng có một thực tế, thời gian qua hoạt động của các điểm đón, trả khách tuyến cố định của các doanh nghiệp hoạt động vận tải ở Tây Ninh dường như bị thả nổi. Nhiều điểm đón, trả khách tuyến cố định của các doanh nghiệp vận tải mọc rộ lên ở các tuyến đường chính trong tỉnh. Thậm chí cùng một địa điểm mà có tới 3 điểm đón, trả khách của 3 doanh nghiệp vận tải mọc lên. Vi phạm quy định về khoảng cách tối thiểu, các trạm đón, trả khách lại còn vi phạm ở chỗ: kiêm luôn việc bán vé xe cho hành khách (đây là hoạt động bị cấm theo quy định tại Thông tư 63). Việc “buông lỏng” quản lý, cho các doanh nghiệp vận tải mở điểm đón, trả khách trong thời gian qua đã gây ra nhiều hệ luỵ như xảy ra những việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Thấy rõ nhất hiện tượng vi phạm có lẽ là tại khu vực cầu K13, huyện Dương Minh Châu. Ở đây, có 3 doanh nghiệp vận tải đều lập điểm đón, trả khách kiêm luôn việc bán vé xe cho hành khách. Điều đáng nói là các điểm đón, trả khách của các doanh nghiệp này cách nhau chỉ vài chục mét. Chưa kể cách đó khoảng 1km, tại Khu công nghiệp Chà Là, trên đường 784, lại có tiếp 2 điểm đón, trả khách của 2 doanh nghiệp vận tải (dù rằng 2 doanh nghiệp này đã lập điểm đón, trả khách tại cầu K13). Như vậy, chỉ một đoạn đường hơn 1km mà có đến 5 điểm đón, trả khách của các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định hoạt động đón, trả khách và bán vé xe.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông- Vận tải, trước đây chỉ có 4 điểm đón, trả khách tuyến cố định được quy hoạch gồm ngã ba Giang Tân, khu vực Trường Nam, khu vực Cửa Hoà Viện (Toà thánh) và ngã ba Mít Một. Các điểm đón, trả khách của các doanh nghiệp vận tải hiện không nằm trong quy hoạch, mà do các doanh nghiệp tự phát lập ra. Tuy nhiên, điều này một phần nguyên nhân cũng là do trước đây tỉnh chưa lập quy hoạch điểm đón, trả hành khách để yêu cầu các doanh nghiệp vào hoạt động. Mặt khác do nhu cầu của xã hội- người dân cần sự tiện lợi khi đi xe khách như điểm đón, trả khách gần nhà (thuận lợi hơn so với việc phải ra bến xe). Cũng vì thế, thời gian qua tỉnh chưa xử lý nghiêm những hiện tượng vi phạm nói trên, dù hiện nay không có bất kỳ quy định nào về việc cho phép dừng đón, trả khách trên các tuyến vận tải hành khách cố định. Nhu cầu lựa chọn của hành khách là đón xe và xuống xe ở vị trí gần nhất có thể. Để chiều lòng khách, nhà xe buộc phải... vi phạm an toàn giao thông khi dừng, đỗ xe.
Phải chấn chỉnh vì sự an toàn
Hiện nay, ở Tây Ninh có 65 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, trong đó có 24 tuyến đi các tỉnh miền Đông Nam bộ, 30 tuyến đi các tỉnh miền Tây, 2 tuyến đi các tỉnh Tây Nguyên, 9 tuyến đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Bên cạnh đó còn có 4 tuyến cố định nội tỉnh. Hoạt động dừng, đón trả khách thực hiện theo kiểu tự phát, tuỳ tiện gây khó khăn cho công tác quản lý và không bảo đảm an toàn cho các phương tiện lẫn hành khách, đồng thời bộc lộ sự kém hiệu quả trong khai thác dịch vụ và không có sự kết nối với loại hình vận tải khác.
Cũng có một thực tế là hiện việc kinh doanh vận tải hành khách trên các tuyến cố định nội tỉnh, tuyến xe buýt còn chồng chéo, lãng phí, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của hành khách. Điều đó làm cho công tác kiểm soát, quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh có 9 bến xe là bến xuất phát/bến cuối hay bến trung chuyển hành khách. Các bến này phục vụ vận tải hành khách tuyến cố định và tuyến vận tải hành khách công cộng. Điều kiện cơ sở vật chất và các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình phục vụ tại các bến xe còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ vận tải hành khách cả về quy mô cũng như chất lượng dịch vụ. Tình trạng xe khách hoạt động khai thác khá phức tạp, làm cho việc quản lý khai thác các bến kém hiệu quả.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10.9.2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Thông tư 63 cũng đã ra đời. Sở Giao thông - Vận tải Tây Ninh đã thực hiện công tác lập quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh; vị trí các điểm dừng, đón, trả khách tuyến cố định và quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, chiến lược phát triển hệ thống điểm đón, trả khách tuyến cố định của tỉnh là sẽ xây dựng một hệ thống các điểm đón, trả khách phân bố hợp lý trên hệ thống các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, bảo đảm an toàn cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải tuyến cố định trong việc dừng đón, trả khách dọc tuyến theo yêu cầu của hành khách, bảo đảm hành khách lên, xuống xe tập trung tại một số địa điểm thay vì rải rác như hiện nay. Tuỳ theo quy mô, mật độ hành khách có thể xây dựng các nhà chờ cung ứng dịch vụ thương mại, dịch vụ đưa đón bằng xe taxi, xe máy, xe buýt nội tỉnh để hành khách có thể chủ động về nhà hoặc tới trạm một cách dễ dàng. Mục tiêu là nâng cao tính thuận lợi, tiện nghi, an toàn cho cả doanh nghiệp lẫn hành khách, trên cơ sở đó công tác quản lý vận tải hành khách của cơ quan chức năng cũng được hiệu quả hơn và dễ dàng hơn. Trong thiết kế xây dựng trạm đón, trả khách phải chú ý đáp ứng nhu cầu phục vụ đối với người khuyết tật, người cao tuổi. Xây dựng và khai thác quản lý phải tuân theo nguyên tắc không cho phép bất cứ loại phương tiện nào dừng, đỗ tại phần diện tích dừng đón, trả khách tuyến cố định. Công trình phục vụ tại các khu vực đón, trả khách về lâu dài cần được đầu tư phát triển chất lượng tương xứng để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Việc quy hoạch các vị trí và sơ bộ xác định quy mô các điểm dừng đón, trả khách trên tuyến cố định nội tỉnh và liên tỉnh theo hướng phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của hành khách, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên các tuyến cố định. Phục vụ theo hướng tiện nghi, an toàn cho hành khách chờ, lên xuống xe và các dịch vụ khác theo nhu cầu. Thiết lập mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh hợp lý, phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân trên cơ sở phân bố dân cư và hệ thống trung tâm thương mại, đô thị, trường học, khu công nghiệp....
Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh cho biết thêm, khi quy hoạch được UBND tỉnh thông qua, trong thời gian tới tỉnh sẽ có 36 điểm đón, trả khách tuyến cố định. Riêng 4 điểm đón, trả khách trước đây, Sở đề xuất bỏ 1 điểm ở khu vực Trường Nam.
Vừa qua, trong quá trình lập quy hoạch, Sở Giao thông - Vận tải có mời các doanh nghiệp vận tải đến để góp ý và các doanh nghiệp đều tỏ ra đồng thuận về việc lập điểm đón, trả khách theo quy hoạch trong thời gian tới. Khi triển khai lập các điểm đón, trả khách theo quy hoạch, các doanh nghiệp vận tải sẽ đưa phương tiện vào hoạt động. Có thể kêu gọi xã hội hoá trong việc lập điểm đón, trả khách theo quy hoạch được phê duyệt. Hy vọng khi đó, hoạt động đón, trả hành khách tuyến cố định sẽ từng bước đi vào nề nếp, phù hợp với sự phát triển hướng đến một xã hội văn minh.
NGHĨA NHÂN