Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Vừa qua, Báo Tây Ninh đã đăng bài “Thông tin thêm về loạt bài “Gút mắc chữ đường”: Các bên cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc”. Sau đó, Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) có văn bản phản hồi. Để khách quan, Báo Tây Ninh trích đăng nội dung phản hồi của TTCS như sau.

*Về việc kiểm mẫu, đo chữ đường và tạp chất mía:
Hiện tại và trong các năm qua, TTCS đã và đang áp dụng, tuân thủ đầy đủ phương thức đánh giá chữ đường, tạp chất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu QCVN01-98:2012/BNNPTNT ban hành cho ngành đường Việt Nam.
Hằng năm, trước khi chuẩn bị vào vụ sản xuất, Trung tâm Đo lường chất lượng 2 của Nhà nước đều có kiểm định thiết bị đo chữ đường và tạp chất của TTCS. Phương pháp lấy mẫu đánh giá: Áp dụng theo nguyên tắc lấy mẫu bằng dàn khoan tự động, hoàn toàn ngẫu nhiên để bảo đảm tính khách quan cao nhất của mẫu đại diện.
Trong vụ thu hoạch 2015-2016, thực hiện theo Biên bản họp số 242/BB-UBND ngày 3.11.2015 của UBND tỉnh Tây Ninh, trong vụ thu hoạch 2015-2016, TTCS và các đơn vị chức năng đã phối hợp thực hiện lấy mẫu mía kiểm định chữ đường định kỳ và đột xuất tại Nhà máy TTCS:
- Các đơn vị tham gia kiểm định gồm: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản trực thuộc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Tây Ninh và Đại diện Hội người trồng mía.
- Số lần lấy mẫu từ đầu vụ thu hoạch 2015-2016 đến nay: 16 lần.
- Tổng số mẫu đã thực hiện kiểm định là: 240 mẫu.
Ngoài việc áp dụng những quy định, quy chuẩn chung của Nhà nước, để người trồng mía an tâm, tin tưởng vào kết quả đánh giá tạp chất, chữ đường, TTCS luôn tạo điều kiện tổ chức cho bà con nông dân đến tham quan trực tiếp quy trình lấy mẫu, thử chữ đường tại nhà máy.
* Về việc cung cấp mẫu mía cho Hội Người trồng mía để đối chứng:
Căn cứ vào đề nghị của Hội Người trồng mía về việc mua và lắp đặt thiết bị đo chữ đường, ngày 30.10.2015, UBND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức cuộc họp để thống nhất giữa các bên: Công ty, sở, ban, ngành và Hội Người trồng mía. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng đã có kết luận chỉ đạo ở Công văn số 4976/TB-VP.
Cụ thể như sau: “Nếu hội người trồng mía mua thiết bị đo chữ đường thì việc lấy mẫu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được chia cho Hội Người trồng mía để đo chữ đường. Kết quả đo chữ đường của các đơn vị nếu có khác biệt lớn, gây ảnh hưởng cho người trồng mía, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Người trồng mía báo cáo cụ thể để UBND tỉnh xem xét giải quyết”. Công ty TTCS đang nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của UBND Tỉnh Tây Ninh.
* Về tính khách quan trong việc đo chữ đường:
Với đặc thù của công tác thu hoạch mía và đặc tính lý hoá của cây mía nên kết quả đo chữ đường sẽ tồn tại một phương sai nhỏ, biến động trong dải biên độ nhất định, không thể tồn tại sự đồng nhất toàn bộ đối với các mẫu mía được kiểm tra, mặc dù mẫu kiểm tra trên cùng một cánh đồng của cùng chủ mía. Cụ thể, các nguyên nhân chính dẫn đến các biến động kết quả chữ đường như sau:
- Thời gian thu hoạch khác nhau.
- Quá trình canh tác, thực hiện chăm sóc không đồng đều trên cánh đồng.
- Phương thức thu hoạch không đồng đều: Mía sạch hoặc lẫn nhiều tạp chất, mía mầm…
- Mía cháy và mía tươi sắp xếp xen kẽ, trộn lẫn trên cùng phương tiện vận chuyển.
- Mía nguyên liệu được xếp xen kẽ, lẫn lộn giữa gốc mía và ngọn mía bởi công đốn mía.
Do đó, mũi khoan mẫu của dàn khoan được thiết kế hoàn toàn tự động đối với các xe chở mía cho cùng một thửa có thể được lấy mẫu ở những điểm khác nhau với thành phần mía khác nhau sẽ có các kết quả khác nhau. Ví dụ: Nếu mẫu khoan có tỷ lệ gốc mía nhiều sẽ cho ra kết quả chữ đường rất cao và ngược lại, nếu tỷ ngọn mía nhiều sẽ cho ra kết quả chữ đường thấp hơn.
Nhận diện được thực tế như trên nên nhằm hạn chế các sự khác biệt lớn giữa các mẫu kiểm tra có thể ảnh hưởng và gây thiệt lại cho khách hàng, công ty đã áp dụng đồng thời những giải pháp khắc phục các vấn đề trên theo hướng có lợi cho người nông dân như sau:
- Áp dụng chính sách bảo hiểm chữ đường: Quy định mức chữ đường thanh toán tối thiểu để chia sẻ, bảo đảm mức lợi nhuận của Khách hàng trong trường hợp kết quả mẫu kiểm tra bất thường thấp hơn mức được TTCS bảo hiểm.
- Lấy mẫu đánh giá chữ đường lần 2 trong trường hợp: (i) Mẫu có kết quả kiểm tra thấp bất thường so với mức chữ đường bình quân của các mẫu khác ở cùng thời điểm đo; (ii) Khách hàng có khiếu nại thắc mắc về kết quả chữ đường.
Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu tình trạng mía nguyên liệu thu hoạch về nhà máy có chữ đường quá thấp vì chưa đạt đến độ chín sinh lý của cây mía, công ty đã và đang áp dụng các phương pháp xác định mía chín, đánh giá chữ đường tại ruộng bằng dụng cụ Brix kế và chỉ lên lịch, cấp phát lệnh thu hoạch đối với các thửa mía có kết quả đánh giá tại ruộng đạt yêu cầu (ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ cần phải thu hoạch sớm: mía phân ranh chống cháy, mía sâu bệnh, phá gốc trồng lại,…)
* Về việc thành lập một đơn vị độc lập để đo chữ đường:
Về phía TTCS đang thực hiện phương thức đánh giá chữ đường, tạp chất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu QCVN01-98:2012/BNNPTNT ban hành cho ngành đường Việt Nam và nghị định mía đường đang trong lộ trình sớm được ban hành sẽ giải toả những mối băn khoăn này của bà con nông dân.
* Về việc tiếp nhận mía Long An:
Ngày 10.8.2015, trước tình hình khó khăn trong khâu tiêu thụ mía của nông dân tại Long An, UBND tỉnh Long An đã có văn bản về việc tiêu thụ mía tại khu vực Bến Lức. Theo đó, TTCS đã ký hợp đồng đầu tư với 2.000 ha tại khu vực này, do vậy trách nhiệm thu hồi mía cũng giống như hợp đồng đầu tư tại Tây Ninh. Tuy nhiên, để hỗ trợ bà con nông dân tại Tây Ninh, TTCS đã điều phối lượng mía tiếp nhận trong ngày luôn bảo đảm tối thiểu 90% là lượng mía tại Tây Ninh...
TỔNG GIÁM ĐỐC