Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước:
Việc không dễ dàng...
Thứ hai: 10:18 ngày 21/11/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Việc phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước không phải là không gặp khó khăn. Trong đó có nguyên nhân do phương thức sinh hoạt Đảng có phần nặng nề, mất nhiều thời gian; vai trò hạt nhân của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp chưa thể hiện rõ nét; đồng thời chủ doanh nghiệp cũng chưa mặn mà, chưa tạo điều kiện để tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội hoạt động.

Những năm qua, công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được Đảng hết sức quan tâm. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm chăm lo cho giai cấp công nhân trong nền kinh tế thị trường. Song, việc phát triển Đảng trong khu vực này không phải là không gặp khó khăn.

Trong đó có nguyên nhân do phương thức sinh hoạt Đảng có phần nặng nề, mất nhiều thời gian; vai trò hạt nhân của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp chưa thể hiện rõ nét; đồng thời chủ doanh nghiệp cũng chưa mặn mà, chưa tạo điều kiện để tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội hoạt động, hầu hết chỉ chú trọng việc sản xuất, kinh doanh...

Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng vé xe cho công nhân về quê ăn Tết (tháng 1.2016). Ảnh: Hiền Lương

ĐẢNG, ĐOÀN ĐỀU KHÓ

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Kết luận số 80 ngày 29.7.2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 07, ngày 23.11.1996, của Bộ Chính trị khoá VIII về công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tình hình mới của Tỉnh uỷ Tây Ninh, đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 38 tổ chức Đảng với 375 đảng viên, đạt 100% kế hoạch của Tỉnh uỷ, tăng 20 tổ chức Đảng và 189 đảng viên so với trước khi có Kết luận 80 của Ban Bí thư.

Hoạt động của các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước từng bước đi vào nề nếp, vận dụng linh hoạt thời gian duy trì tốt chế độ sinh hoạt Đảng định kỳ theo quy định, đồng thời vẫn bảo đảm kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, kết quả thành lập tổ chức Đảng, tổ chức chính trị xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước còn thấp, có chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch đề ra, số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số người lao động trong doanh nghiệp; nhiều nơi chưa làm tốt công tác kết nạp đảng viên, đoàn viên...

Hiện nay, toàn tỉnh có 414 đảng viên làm việc tại 191 doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhưng hầu hết đang sinh hoạt Đảng tại nơi cư trú; có 11 doanh nghiệp đủ 3 đảng viên trở lên nhưng chưa thành lập được chi bộ; việc phát triển Đảng cũng còn nhiều khó khăn, trong 5 năm, toàn tỉnh chỉ kết nạp được 57 đảng viên mới. Tại các địa phương, có huyện 5 năm chưa kết nạp được đảng viên nào trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, chỉ phát triển được 4 đảng viên ở khu vực kinh tế tập thể (quỹ tín dụng nhân dân).

Bà Nguyễn Thị Tuyết- Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh nhận định, hiện nay, chủ doanh nghiệp đa phần không phải là đảng viên nên nhận thức về tổ chức Đảng còn hạn chế, bên cạnh đó, hoạt động của tổ chức đoàn thể chưa thật sự hấp dẫn, từ đó ít có chủ doanh nghiệp thực sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Bà Tuyết còn nhấn mạnh, không chỉ có chủ doanh nghiệp, mà quần chúng trong doanh nghiệp chưa có động cơ phấn đấu vào Đảng do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Còn có tâm lý lo ngại tham gia sinh hoạt chi bộ, học tập lý luận chính trị ảnh hưởng đến thời gian sản xuất kinh doanh cũng như quản lý doanh nghiệp.

Một thực tế khác, một số doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hoá, tổ chức Đảng hoạt động khó khăn hơn do chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc doanh nghiệp không là đảng viên hoặc là đảng viên nhưng không tham gia cấp uỷ nên chưa quan tâm đến công tác xây dựng Đảng như trước đây.

CẦN CÓ CÁCH LÀM MỚI HƠN

Trong hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Kết luận số 80, ông Nguyễn Duy Tuẩn- Bí thư Chi bộ Công ty cổ phần giày dép xuất khẩu Cát Tường (huyện Gò Dầu), cho rằng, sinh hoạt chi bộ ở doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn bởi tình trạng báo cáo, văn bản quá nhiều; ví dụ như báo cáo về cải cách hành chính, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng... Hơn nữa, thời gian học lớp cảm tình Đảng, đảng viên mới quá dài - nếu học đủ thời gian này công nhân sẽ không được nhận lương, vì thế công nhân kém thiết tha phấn đấu vào Đảng.

Ông Tuẩn cũng nêu lên những bất cập khác như công nhân, thanh niên ít tiếp cận chủ trương, nghị quyết của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội bởi lẽ: “Ai là người đứng ra để triển khai, nếu để chủ doanh nghiệp triển khai là rất khó”. Mặt khác, sinh hoạt của Công đoàn, Đoàn Thanh niên nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến thời gian lao động, sản xuất. Do đó, theo ông Tuẩn, vấn đề đặt ra là cần phải giảm bớt các văn bản có tính hành chính đối với tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, cũng như cần có sự phối hợp sắp xếp, bố trí thời gian sinh hoạt, học tập cho phù hợp.

Liên quan vấn đề này, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Nguyễn Thị Tuyết cho biết, để kết nạp một quần chúng vào Đảng phải qua các lớp cảm tình Đảng (4 ngày), sau khi kết nạp Đảng thì học lớp đảng viên mới (8 ngày), mất nhiều thời gian, chi phí, vì thế chủ doanh nghiệp khó chấp nhận. Từ những khó khăn đó, Đảng uỷ Khối kiến nghị tỉnh cho chủ trương tổ chức học tập ngắn gọn với những nội dung trọng tâm.

Giờ ăn cơm của công nhân.

Bước đầu tháo gỡ khó khăn của vấn đề này, trong một lần làm việc với Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang đề nghị, đối với tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước cần có cách làm đổi mới hơn, có thể rút ngắn thời gian học tập và tổ chức học vào ngày nghỉ. Trước đó, gửi tài liệu hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, khúc chiết cho đối tượng học, những buổi học chỉ để trao đổi, giải đáp thắc mắc và làm bài thu hoạch. Để thực hiện cách làm mới này, Bí thư Tỉnh uỷ giao cho Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tham mưu xin ý kiến Trung ương cho Tây Ninh thí điểm thực hiện.

Được biết, trước đây, cách làm này đã được thực hiện thí điểm tại huyện Trảng Bàng, nơi đa số cấp uỷ viên, đảng viên trong chi bộ doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở các khu công nghiệp đều là người lao động sản xuất, chịu sự quản lý chặt chẽ của chủ doanh nghiệp. Nhờ vậy, các chi bộ ở doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động tương đối ổn định; đảng viên có sự chuyển biến cả về chất lượng và số lượng, góp phần đưa tiếng nói của đảng viên xây dựng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

HẢI NAM

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh