Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Xã Biên Giới vất vả mùa khô hạn
Thứ sáu: 04:10 ngày 25/03/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Mùa khô bắt đầu vào đỉnh điểm, nỗi lo thiếu nước sạch sinh hoạt càng dâng cao đối với số đông người dân ở xã Biên Giới. Mỗi ngày, khi theo dõi thông tin thời tiết, nhiều nông dân trên vùng đất “khát nước dài dài” ấy lại chép miệng rầu rĩ, nhất là năm nay- mùa mưa lại còn đến trễ hơn so với mọi năm.

Anh Sang phải dùng thang mới có thể rời khỏi hố sâu đặt mô-tơ bơm nước.

Nước sinh hoạt bị phèn hay mất nước tưới mùa khô… vốn là chuyện không mới ở hầu khắp các khu vực thuộc xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Có khác chăng là mỗi năm mức độ khó khăn của người dân lại càng cao hơn. Tình trạng cứ tiếp diễn và người dân tiếp tục “tự bơi” để tìm nguồn nước mỗi khi mùa khô đến. Có hộ nhiều năm qua phải dùng đến phương tiện tự chế để có nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Mệt và tốn kém

Chi phí cho nước sinh hoạt của người dân thường tăng lên vào mùa khô. Nhưng đó không phải là chi phí để dùng nước máy mà chỉ là dùng nước giếng tự bơm. Đó gồm các khoản chi để làm bể lọc, bộ hút trợ lực, trả tiền... Thật ra thì nhiều người vẫn không an tâm lắm với nguồn nước do họ “tự chế”, chưa kể còn phải tốn thêm tiền mua nước đóng chai uống hằng ngày. 

 Tại nhà ông Phan Bá Nguyện ở ấp Bến Cầu, chỉ bằng một phép thử đơn giản, ông đã có thể chứng minh chất lượng nước không bảo đảm. Một ly nước lấy từ giếng khoan lên, mới nhìn thì trong veo nhưng khi cho vào vài giọt nước trà nó đã đổi màu trong tích tắc. Theo ông Nguyện, đó là lý do khiến người dân vùng này không thể dùng nước giếng bơm để uống. Nhiều gia đình chọn phương án làm hồ lọc để lấy nước sử dụng. Hầu hết các hộ gia đình ở xã Biên Giới đều có hồ lọc nước phèn. Tại xã có trạm nước sạch nhưng chỉ có một số ít hộ gia đình sử dụng, phần đông còn lại sử dụng nguồn nước qua hồ lọc thủ công. Ông Nguyện cũng vừa đầu tư hệ thống hồ lọc, nhà vệ sinh với chi phí hơn 30 triệu đồng. Trong đó, riêng hệ thống lọc đã chiếm hơn 10 triệu đồng. Theo ông: “Dù tốn kém cũng phải đầu tư để có nước dùng. Xài hồ lọc, thấy nước sạch hơn, đem pha trà không thấy đổi màu. Tuy nhiên, về chất lượng thì chúng tôi không thể nào kiểm chứng được. Măc dù vậy, cứ vẫn phải dùng để tắm giặt, nấu ăn”.

Ông Nguyễn Văn Mến, ngụ cùng ấp Bến Cầu cho biết, trước đây gia đình ông không có bể lọc nước nên phải sử dung trực tiếp nguồn nước nhiễm phèn, sử dụng mà trong lòng cứ thấp thỏm lo lắng bệnh tật về sau. Muốn xài nước máy thì lại không có tiền. Khi được vay vốn từ chương trình nước sạch nông thôn, ông đầu tư làm một hồ lọc nhỏ để được yên tâm hơn khi sử dụng nguồn nước.

Hồ lọc thủ công tự xây gồm các lớp vật liệu: cát, đá, sỏi, than do người dân thực hiện thông qua việc học tập, mách bảo kinh nghiệm lẫn nhau. Tuỳ theo quy mô sử dụng của từng gia đình mà chi phí đầu tư có khác nhau, rẻ thì vài triệu đồng còn đắt hơn có thể lên tới vài chục triệu đồng một hệ thống lọc. Ngoài việc vất vả tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt gia đình, nhiều hộ còn phải tốn kém chi phí cho việc mua nước uống đóng chai, bởi nguồn nước dù có qua hệ thống lọc cũng không đủ để mọi người có thể yên tâm mà uống mỗi ngày.

Vào những tháng mùa khô như hiện nay, tình trạng thiếu nước sử dụng của các hộ gia đình ở nhiều khu vực thuộc xã Biên Giới càng nặng nề hơn. Nhiều người nhẩm tính: từ lúc bắt đầu mùa khô- vào độ tháng 10 âm lịch năm ngoái cho đến nay, trung bình mỗi tháng, mỗi hộ phải tăng thêm hơn 100.000 đồng tiền điện do bơm nước liên tục và còn phải “kéo nhiều nhát” mới lên nước.

Có hộ bỏ thêm tiền lắp dụng cụ hút sâu, trợ lực bơm nước nhưng kết quả cũng không cải thiện được mấy. Nhiều hộ phải đào hố sâu, đặt mô tơ bơm nước âm xuống khoảng 2 mét mới bơm lên nổi. Ông Nguyễn Văn Dũng, ở tổ 5, ấp Tân Long ngao ngán lắc đầu: “Trả tiền điện cao vì bơm nước cũng ngán lắm chứ, nhưng phải ráng thôi. Mới thời điểm này mà phải đào hố sâu mới bơm được nước thì sắp tới không biết ra sao đây.”

đau đầu tìm nước tưới

Những cánh đồng mía, mì tại ấp Tân Long đang vào giai đoạn cần được tưới mát để bón phân thúc cho cây lớn. Tuy nhiên, việc tìm nguồn nước cho chúng đang rất nhiêu khê, nan giải. Theo anh Đỗ Văn Sanh, trưởng ấp thì mùa hạn năm nay, tình trạng hụt nước đến sớm hơn mọi năm. Từ tháng 10 âm lịch nơi đây đã bị hụt nước tưới, mọi năm tuy có khi trễ hơn một tháng nhưng vẫn có mưa rải rác. Nếu như trước đây người ta chỉ cần “âm” mô-tơ xuống hố sâu- từ nửa mét hoặc hơn 1 mét là có thể bơm nước lên thì nay, có chỗ phải đào sâu gần 4 mét để đặt máy bơm mới mong có nước tưới, vậy mà lượng nước bơm lên cũng rất yếu.

Trên cánh đồng mía đã xuất hiện bệnh than lác đác vì thiếu nước, anh Đinh Văn Sang, ngụ ấp Tân Long lắc đầu nói: “Tôi phải đào hố sâu gần 4 mét để đặt mô-tơ bơm nước nhưng không đủ tưới vì nước rất yếu. Nếu không đủ nước tưới để bón phân, mía chậm phát triển là một chuyện mà bệnh do khô hạn cũng khó tránh khỏi”. Anh Sang có 3 ha trồng mía, anh phải thuê người đào 3 hố sâu tầm 4 mét để đặt mô tơ lấy nước tưới. Tuy nhiên, cũng không thể thực hiện đồng loạt và kéo dài thêm thời gian lấy nước cho ruộng mía. Theo một số nông dân khác tại ấp Tân Long, trước đây chỉ cần bơm từ 5 đến 7 ngày là đủ nước tưới cho 1 ha nhưng hiện tại, thời gian bơm phải kéo dài lên gấp đôi thậm chí gấp ba lần mới đạt yêu cầu.

Khuôn mặt của những người nông dân trồng lúa, mì, mía tại ấp Tân Long chừng như già hơn, khắc khổ hơn bởi cái nắng gay gắt làm khô hạn cả đồng ruộng. Nhiều năm trồng mía anh Sang nghiệm ra: công sức bỏ ra sau mỗi năm lại nhiều hơn, chi phí cũng tăng lên trong khi năng suất vẫn không cải thiện do cây mía không có đủ nước khi còn trong thời kỳ phát triển. Anh Sang cũng như những người trồng mía tại đây đều tỏ vẻ ngao ngán khi nghĩ đến viễn cảnh những năm tới đây, độ sâu “truy tìm” nguồn nước lại tăng thêm. Anh Sang nói, vẻ nhẫn nại: “Dẫu có vất vả, nông dân chúng tôi vẫn phải cố gắng để làm, chứ biết làm sao khác hơn? Nước hụt tới đâu thì sẽ đào tới đó để tìm mà thôi”.

Mía trên ruộng anh Sang (trái) đã xuất hiện bệnh do thiếu nước.

Bao giờ “thôi khát”?

Vài năm trước, khi nghe dự án trạm bơm Tân Long được phê duyệt thực hiện, nhiều bà con nông dân quanh đấy đã hào hứng, mừng rỡ vì hy vọng một ngày không xa, họ sẽ có nước để tưới. Tuy nhiên, vài năm nay dự án vẫn cứ im lìm…“chưa thấy rục rịch gì”.

Trưởng ấp Tân Long cho biết: “Trước đây khi nghe tin về việc thực hiện trạm bơm, nhiều bà con mong chờ có được nguồn nước tưới. Nhưng hiện nhiều hộ phải tự bỏ tiền kéo điện, đào giếng để lấy nước sản xuất. Có người còn đầu tư cả máy phát điện nhưng hiệu quả vẫn không thể như mong đợi vì nước, điện rất yếu. Vừa tốn công vừa tốn của nên có người đã bỏ ruộng, bỏ mùa do không lo nổi chi phí”.

Mùa khô bắt đầu vào đỉnh điểm, nỗi lo thiếu nước sạch sinh hoạt càng dâng cao đối với số đông người dân ở xã Biên Giới. Mỗi ngày khi theo dõi thông tin thời tiết, nhiều nông dân trên vùng đất “khát nước dài dài” ấy lại chép miệng rầu rĩ, nhất là năm nay- mùa mưa lại còn đến trễ hơn so với mọi năm.

VI XUÂN

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh