Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Các sai sót chủ yếu thuộc phần những quy định chung; bỏ sót định lượng, trùng định lượng (về giá trị tiền, giá trị thiệt hại về tài sản, định lượng ma tuý, khối lượng xả thải ra môi trường...); không thống nhất về kỹ thuật lập pháp; viện dẫn sai điều; quy định vị trí khung hình phạt trong cùng điều luật không nối tiếp...

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 lẽ ra đã có hiệu lực từ ngày 1.7 năm nay nhưng phải tạm hoãn vì có nhiều sai sót. Ngày 27.6 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã triệu tập gấp các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố để bàn cách hoãn thi hành bộ luật này. Sau khi thông tin hoãn áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 được phát đi nhiều ý kiến khẳng định trách nhiệm chính thuộc về Quốc hội khoá XIII. Xung quanh sự việc trên, phóng viên báo Tây Ninh thực hiện cuộc phỏng vấn ông Trịnh Ngọc Phương- Quyền trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIII đơn vị tỉnh Tây Ninh để tìm hiểu thêm vấn đề.
|
PV: - Thưa ông, Bộ luật Hình sự năm 2015 là luật ngành, vậy quy trình soạn thảo bộ luật này như thế nào? Ai phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc này? Cụ thể là nội dung Bộ luật do Bộ Công an hay Bộ Tư pháp soạn thảo trước khi đưa ra cho các cơ quan liên quan góp ý?
Ông T.N.P: Việc xây dựng Bộ luật Hình sự (BLHS) được thực hiện theo trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo. Theo quy trình thì sau khi soạn thảo cơ quan chủ trì sẽ tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, sau đó trình Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (UB Tư pháp) thẩm định. Khi thẩm định xong sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Trên cơ sở đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Bộ Tư pháp kết hợp cùng các cơ quan thẩm định chỉnh sửa theo góp ý và đưa ra lấy ý kiến người dân vào năm 2015. Sau khi lấy ý kiến của dân, Bộ Tư pháp tổng hợp trình UB Tư pháp của Quốc hội thẩm tra lần cuối. Sau đó, UB Tư pháp trình Quốc hội lần thứ hai và thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII. Theo quy định, bộ luật có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2016.
PV: - Bộ luật Hình sự năm 2015 có 426 điều nhưng theo thống kê thì có 95 lỗi cần phải chỉnh sửa, bổ sung. Có ý kiến bình luận rằng nếu tính tỷ lệ phần trăm thì tỷ lệ sai là 22,3%, như vậy cứ 10 điều luật có 2,23 điều sai cần phải sửa. Ý kiến của ông như thế nào về tỷ lệ sai sót đó?
Ông T.N.P: -Rõ ràng là Bộ luật Hình sự có sai sót. Tuy nhiên, nếu đánh giá theo tỷ lệ phần trăm như phóng viên đặt ra thì theo tôi có sự khập khễnh, bởi đây là những quy định Luật đặt ra để quản lý trật tự xã hội, bảo vệ thành quả cách mạng của đất nước, chứ không phải hiểu theo cách toán học. Điều quan trọng nhất là đã sai thì phải sửa, sửa một cách thành thật, không giấu giếm. Điều này các ĐBQH khoá XIII đã làm được, mặc dù không lấy gì làm vui lắm. Đa số đại biểu (trên 85%) đã đồng ý thống nhất lùi thời hiệu thi hành Bộ luật Hình sự và trình Quốc hội khoá XIV sửa đổi, bổ sung trong kỳ họp thứ hai.
PV: -Thưa ông, sau khi có thông tin hoãn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, có nhiều ý kiến trái chiều về những nội dung được xác định là có sai sót. Có ý kiến cho rằng đa số các sai sót là do lỗi kỹ thuật, không sai về chính sách, chủ trương, quan điểm. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Bộ luật đã có những sai sót nghiêm trọng mà nếu không kịp thời hoãn thi hành thì sẽ gây ra hậu quả khó lường? Là đại biểu Quốc hội, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông T.N.P: -Trước hết thông qua Báo Tây Ninh, tôi gửi lời xin lỗi đến cử tri tỉnh nhà nói riêng và cử tri cả nước nói chung. Việc để xảy ra sai sót này có trách nhiệm của Quốc hội, trong đó có cá nhân tôi - một trong những người “ấn nút” thông qua Bộ luật. Tới đây, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục làm rõ hơn trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, sau đó sẽ có xử lý cần thiết. Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn đông đảo cử tri và báo chí, dư luận đã phát hiện ra sai sót của Bộ luật này. Trở lại vấn đề phóng viên báo đặt ra, với tư cách là ĐBQH khoá XIII, tôi xin có một số vấn đề trao đổi.
Như chúng ta biết, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ hợp thứ 10, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2016. Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri và kiến nghị của các cơ quan áp dụng pháp luật thì Bộ luật có một số sai sót. Để đảm bảo sự thận trọng cần thiết, UB thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo UB Tư pháp phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Viện KSNDTC), Toà án nhân dân tối cao (Toà án NDTC) tiến hành rà soát. Kết quả rà soát cho thấy, Bộ luật Hình sự có sai sót tại một số điều luật nhưng về quan điểm, chủ trương lớn của Bộ luật thì hoàn toàn không sai. Việc sai sót một số điều luật có ảnh hưởng đến việc áp dụng pháp luật và xử lý tội phạm cần phải sửa đổi mới thi hành được. Các sai sót chủ yếu thuộc phần những quy định chung; bỏ sót định lượng, trùng định lượng (về giá trị tiền, giá trị thiệt hại về tài sản, định lượng ma tuý, khối lượng xả thải ra môi trường...); không thống nhất về kỹ thuật lập pháp; viện dẫn sai điều; quy định vị trí khung hình phạt trong cùng điều luật không nối tiếp... Mặc dù vậy, những sai sót này có thể ảnh hưởng đến quá trình thực thi Bộ luật, có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai. Tuy nhiên, để cử tri tỉnh nhà an tâm, tôi xin thông tin một số vấn đề liên quan đến việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự. Đó là tiếp tục áp dụng Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12); Bộ luật Tố tụng hình sự số 19/2003/QH11; Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11, Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12); Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ban hành quy chế tạm giữ, tạm giam (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 98/2002/NĐ-CP và Nghị định số 09/2011/NĐ-CP của Chính phủ) cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành. Kể từ ngày 1.7.2016, các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự và các quy định khác có liên quan tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 vẫn được thực hiện.
PV: -Trong Bộ luật Hình sự 2015 có 2 điều luật liên quan đến các hoạt động kinh doanh được giới doanh nhân và người lao động quan tâm. Đó là điều 216 và điều 162 với quy định: chủ doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động từ 6 tháng trở nên (từ trốn đóng 50 triệu trở lên hoặc không đóng cho 10 lao động trở nên) có thể bị xử lý hình sự, tuỳ theo mức độ có thể bị phạt tù từ 3 tháng tới 7 năm hoặc bị phạt tiền từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng. Chủ doanh nghiệp sa thải trái pháp luật- tuỳ theo mức độ, tính chất có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm hoặc bị phạt từ 10 đến 200 triệu đồng. Trong khi đó, trong các phát biểu gần đây, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố không hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Có mâu thuẫn gì ở đây không và hiểu thế nào cho đúng, thưa ông?
Ông T.N.P: -Tôi không thấy mâu thuẫn giữa những điều mà phóng viên đặt ra với tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta phải hiểu rõ bản chất vấn đề ở chỗ: luật hình sự đặt ra để xử lý các vi phạm do các doanh nghiệp cố tình vi phạm, cố tình tránh né, tìm cách lách luật, chây ỳ... Những điều mà phóng viên nêu ra ở trên là những quy định mà doanh nghiệp buộc phải thực hiện. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng. Còn vấn đề Thủ tướng tuyên bố, cần phải hiểu đó là một thông điệp cực kỳ quan trọng. Xã hội được nuôi sống bởi các doanh nghiệp, xã hội tồn tại và phát triển bằng các doanh nghiệp, cho nên việc bảo vệ các doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước. Chống hình sự hoá các quan hệ kinh tế về bản chất là bảo vệ tự do kinh doanh. Cách đây 30 năm khi đất nước mới ở giai đoạn đầu của thời kỳ mở cửa, hội nhập, Đảng, Nhà nước cũng như các chuyên gia kinh tế đã thảo luận vấn đề này một cách sôi nổi và thận trọng khi chúng ta lựa chọn con đường phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Để làm rõ hơn thông điệp của Thủ tướng, tôi xin trích dẫn phát biểu của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: “Chúng ta nhìn vấn đề chống hình sự hoá một cách khá minh mẫn cách đây lâu rồi và cũng có những lúc cố gắng đạt được đến một ngưỡng nào đó, nhưng chưa đủ bản lĩnh để bảo đảm sự ổn định của quan điểm này. Lần này Thủ tướng đã đặt ra trúng vấn đề. Đấy là khuyết tật nặng nề nhất và là một trong những cốt lõi của việc giải phóng sức sản xuất, sức kinh doanh. Chống hình sự hoá chính là bảo đảm để cho con người yên tâm khởi nghiệp, bởi tất cả những người kinh doanh và sản xuất đều sợ rủi ro, nhất là rủi ro liên quan tới vấn đề hình sự. Bởi vì người mới kinh doanh, mới khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh, thiếu quan hệ cho nên dễ sai, dễ đụng chạm với các khía cạnh hình sự của đời sống kinh doanh. Vì thế sự chú ý của Chính phủ trong việc giảm bớt những rủi ro hình sự làm cho hoạt động khởi nghiệp tốt hơn, đấy chính là chăm sóc “trẻ em” của quá trình hình thành các lực lượng sản xuất”
|
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương trong một đợt giám sát tình hình giảm nghèo.
PV:- Cũng liên quan đến hai điều luật nêu trên, vẫn có ý kiến cho rằng, việc chế tài các chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động là cần thiết, bởi vì quỹ bảo hiểm là nền tảng để duy trì sự ổn định. Các quốc gia công nghiệp rất coi trọng điều này, chủ doanh nghiệp sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc nếu không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm đối với công nhân. Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Tây Ninh trước đây, ông cũng bày tỏ quan điểm cần có biện pháp mạnh đối với chủ doanh nghiệp chây ỳ, không đóng bảo hiểm cho người lao động. Cho đến giờ, ông có còn giữ quan điểm của mình?
Ông T.N.P:- Tôi hoàn toàn nhất trí cao với vấn đề phóng viên đặt ra ở trên và đến bây giờ, tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình trước đây.
PV: - Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
VIỆT ĐÔNG